Thành tố nào làm nên trường học hạnh phúc?

Từ năm 2019, Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam được sự nhất trí của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành xây dựng hệ thống tiêu chí về trường học hạnh phúc, khuyến cáo các trường học từ mầm non, phổ thông, đại học, cao đẳng xây dựng trường học hạnh phúc với 3 căn cứ đánh giá gồm: Yêu thương, an toàn và tôn trọng.

Những căn cứ này theo TS Thanh Thủy đều dựa trên Tháp nhu cầu của Maslow với 5 bậc từ nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu mối quan hệ, tình cảm, nhu cầu được kính trọng đến nhu cầu thể hiện bản thân. Khi được đáp ứng các nhu cầu này, con người sẽ đạt tới trạng thái cảm xúc hạnh phúc. Việc xây dựng tiêu chí, định lượng hóa khái niệm hạnh phúc trong nhà trường rất cần thiết để có căn cứ cho việc triển khai, cụ thể hóa ở từng trường.

Công tác tại khoa giáo dục đặc biệt, TS Thanh Thủy đặc biệt lưu ý những giáo viên nhận lớp có học sinh học hòa nhập. Yêu thương được xem như yếu tố hàng đầu trong những trường hợp này. Tuy nhiên, nếu yêu thương không đúng cách sẽ làm ảnh hưởng tới tất cả các học sinh khác. Đó là khi vì thương học sinh có nhu cầu đặc biệt, thầy cô luôn yêu cầu các bạn khác làm hộ tất cả mọi công việc. Điều này dẫn tới tâm lý co cụm, thiếu tự tin ở em học sinh này. Còn các bạn học sinh khác luôn có suy nghĩ về khiếm khuyết và ban phát tình thương cho bạn mình. Khi yêu thương đúng, đồng nghĩa thầy cô đã tôn trọng tất cả học sinh trong lớp.

Hỗ trợ cho mục tiêu trường học hạnh phúc, từ một khái niệm trừu tượng đi vào thực tế, Thủ tướng Chính cũng đã phủ phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 tại quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 2/10/2021 nhằm bảo đảm chăm sóc toàn diện thể chất, tinh thần cho trẻ em thông qua việc duy trì đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lí sức khỏe, trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trường chuyên biệt.

Vấn đề sức khỏe tinh thần được đặt ngang vấn đề thể chất theo TS Đỗ Thị Thanh Thủy cũng liên quan tới chặt chẽ tới việc xây dựng trường trường học hạnh phúc. Bởi khi học sinh học trong một môi trường học hạnh phúc, chắc chắn sức khỏe tinh thần của các em sẽ được đảm bảo.

“Tôi được biết những trường hợp thầy cô quá để ý đến một học sinh và có những định kiến về em. Họ có thể đưa những lỗi của học sinh đó phê bình trước tập thể lớp sẽ khiến em đó cảm thấy rất khó chịu. Mỗi giờ học trôi qua trong trạng thái cảm xúc ấm ức như vậy học sinh không thích học và dần dần em né tránh môn học đó. Có lẽ qua đây cũng có thể thấy rằng vai trò giáo viên quan trọng để học sinh có hạnh phúc ở trường học. Nhưng bản thân giáo viên cảm thấy hạnh phúc và tích cực thì mới có thể lan tỏa được những cảm xúc tích cực tới lớp học của mình, TS Thanh Thủy phân tích.

An toàn, thành tố làm nên trường học hạnh phúc TS Thanh Thủy cho rằng gồm hai yếu tố: an toàn về mặt thể chất và tinh thần. An toàn về mặt thể chất dễ nhận biết hơn với những tổn thương thực thể. Còn tinh thần, ngược lại rất khó đánh giá. Đôi khi chỉ từ lời nói, cử chỉ, thầy cô có thể khiến học sinh của mình tổn thương mà chính giáo viên không nhận thức. Sự tích tụ lâu, dần thành một vết thương rất nặng nề khó chữa lành.

Áp lực thành tích và điểm số chính là một trở ngại khiến học sinh không hạnh phúc. Tuy nhiên theo TS Thanh Thủy, không thể đẩy vấn đề này ra khỏi trường học bởi học tập, kiểm tra, đánh giá được coi như chu trình bắt buộc trong suốt quá trình đào tạo. Vấn đề ở đây, thầy cô nếu tạo được cảm xúc tích cực, học sinh sẽ tích cực, chủ động tiếp thu tri thức sẽ khiến việc học của các em trở thành niềm vui khám phá tri thức. Điểm số lúc này sẽ phản ánh đúng năng lực của các em.

“Vai trò của giáo viên nằm ở việc tổ chức, điều khiển quá trình học tập chứ không phải là người nhồi nhét kiến thức cho học sinh. Nếu các thầy cô tạo động lực cho học sinh đam mê, tự tìm tòi khám phá, việc tự học nó có giá trị cao hơn rất nhiều so với áp lực mà chúng ta đưa ra bắt học sinh phải làm”.

Chính giáo viên phải hạnh phúc trước

Thầy cô giáo cũng đóng vai trò chủ thể để làm nên trường học hạnh phúc. Quản lý một lớp học mà bản thân thầy cô không cảm thấy vui vẻ hạnh phúc sẽ không thể lan tỏa cảm xúc tích cực tới từng học sinh trong lớp. Trường học hạnh phúc, nơi thầy cô tìm được đam mê, nhiệt huyết, tích cực đưa ra phương pháp giảng dạy học phù hợp, chủ động sáng tạo cũng như luôn hỗ trợ, giúp đỡ học trò của mình. Từ đó, thiết lập được các mối quan hệ thân thiết gắn bó và chia sẻ với đồng nghiệp, học sinh.

Với những nhiệm vụ đặt ra ngày càng nhiều, TS Thanh Thủy cho rằng mỗi thầy cô cũng phải trau dồi rèn luyện và cũng phải có kỹ năng kiểm quản trị cảm xúc của mình. Bên cạnh đó cần có kỹ năng quản lý công việc, kỹ năng lên kế hoạch, đặc biệt là kỹ năng chuyên môn.

Còn về phía nhà quản lý giáo dục rất cần phân đúng người, đúng việc. Hiện nay các trường học xảy ra tình trạng rất nhiều giáo viên cũng phải kiêm nhiệm rất nhiều phần việc. Có thể ví dụ như phụ trách thêm công tác tư vấn tâm lý học đường. Trong khi, họ không được đào tạo một cách bài bản hoặc có thể cũng được đi học tập huấn một vài khóa ngắn hạn. Hậu quả, chính họ không có giải quyết được khó khăn cho học sinh đồng thời bị quá sức với phần việc kiêm nhiệm.

Hiện nay, theo TS Đỗ Thị Thanh Thủy, vấn đề trường học hạnh phúc đang nhận được sự quan tâm lớn từ cán bộ lãnh đạo ngành giáo dục đến các thầy cô. Nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo như ở Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho giáo viên hay nhiều trường tư thục sẵn sàng liên kết để mời giảng viên chia sẻ cùng các hiệu trưởng, chủ trường. Đây được xem như những tín hiệu vui cho những thay đổi tích cực trong các nhà trường.