Ngày 26/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT (thông tư 13) quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để Bộ GD-ĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động ở Việt Nam.

Thông tư 13 gồm các quy định về giám sát và đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục...

Về giám sát tổ chức kiểm định giáo dục, Thông tư 13 nêu rõ sẽ giám sát việc bảo đảm quy định về điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; quá trình và kết quả hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và việc tuân thủ quy định về thực hiện trách nhiệm báo cáo, công khai.

Trong quá trình giám sát nếu phát hiện tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có dấu hiệu vi phạm quy định, Bộ GD-ĐT tổ chức thẩm định kết quả hoạt động hoặc thành lập đoàn kiểm tra và áp dụng các biện pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, Thông tư 13 quy định sẽ đánh giá qua 5 tiêu chuẩn và 25 tiêu chí.

5 tiêu chuẩn bao gồm: Tổ chức và quản lý; Đội ngũ lãnh đạo, kiểm định viên, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục; Cơ sở vật chất, trang thiết bị; Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; Công khai, minh bạch hoạt động.

Riêng về tiêu chuẩn công khai, minh bạch, Thông tư 13 quy định, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục phải đảm bảo 4 công khai, gồm:

Công khai trên trang thông tin điện tử giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; sự hình thành và phát triển của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; tầm nhìn, sứ mạng và chiến lược phát triển; quy chế tổ chức và hoạt động; các hướng dẫn chi tiết do tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ban hành để thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục;

Công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và cập nhật trên phần mềm quản lý hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giá dục đại học cơ cấu tổ chức, ban lãnh đạo, kiểm định viên làm việc toàn thời gian, viên chức, người lao động, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục, danh sách các kiểm định viên tham gia hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất;

Công khai các hoạt động đánh giá, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục trên trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và cập nhật trên phần mềm quản lý hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giá dục đại học;

Công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, chu kỳ đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước là 5 năm, được thực hiện trước khi giấy phép hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hết thời hạn.

Đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động ở Việt Nam, chu kỳ đánh giá theo thời hạn ghi trên quyết định công nhận hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam.

Quy trình đánh giá gồm: Tự đánh giá của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT.

Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá ở một trong các mức: chưa đạt, đạt mức 1 hoặc đạt mức 2; tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá ở mức chưa đạt khi có từ 1 (một) tiêu chuẩn trở lên đánh giá ở mức chưa đạt; tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá đạt mức 1 khi có tất cả các tiêu chuẩn được đánh giá ở mức đạt, trong đó còn có tiêu chí được đánh giá ở mức chưa đạt; tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá đạt mức 2 khi có tất cả các tiêu chí được đánh giá ở mức đạt.

Kết quả đánh giá sẽ là cơ sở để Bộ GD-ĐT xem xét việc gia hạn giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục cho tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; làm căn cứ để tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch cải tiến nhằm phát triển tổ chức, nâng cao chất lượng trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.

Trong trường hợp kết quả đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ở mức chưa đạt, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục không thực hiện việc ký kết hợp đồng để thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục cho đến khi có văn bản xác nhận đáp ứng đạt mức 1 trở lên của cơ quan có thẩm quyền...

Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 11/8/2023/.

Hiện Việt Nam có 13 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục gồm:

5 trung tâm kiểm định thuộc các cơ quan nhà nước là: Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia TP.HCM; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Đà Nẵng; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Vinh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam.

2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư nhân là: Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn (Công ty Cổ phần đầu tư giáo dục TP.HCM); Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long (Công ty Cổ phần đầu tư giáo dục Hà Nội).

6 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, gồm: Hcéres, AUN-QA, QAA, FIBAA, AQAS và ASIIN. Thời gian được công nhận và hoạt động tại Việt Nam là 5 năm.