Một ngày Bộ GD&ĐT ra 2 quyết định thành lập Trung tâm kiểm định giáo dục tư thục

Ngày 16/03, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn ký quyết định 979/QĐ-BGDĐT cho phép thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn trực thuộc Công ty Cổ phần đầu tư Giáo dục TP. Hồ Chí Minh và quyết định 969/QĐ-BGD&ĐT cho phép thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long trực thuộc công ty Cổ phần đầu tư Giáo dục Hà Nội.

Cả hai Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long đều là trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư thục, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, cả nước có 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG Hà Nội, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (CEA-AVU&C); Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của Trường Đại học Vinh.

Như vậy, với quyết định mới nhất của Bộ GD&ĐT, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn là 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư thục đầu tiên.

Câu hỏi đặt ra là việc các Công ty cổ phần tham gia vào lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục sẽ đảm bảo tính độc lập, khách quan như thế nào? Nếu công ty đó hoạt động vì lợi nhuận thì có bị chi phối trong quá trình hoạt động và kết quả kiểm định hay không?

TS. Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục đại học cho rằng, hiện nay, các quy định pháp lý về kiểm định chất lượng giáo dục khá đầy đủ, từ điều kiện, quy trình đến cách thức tổ chức thực hiện. Do vậy, một công ty tư nhân hay một tập thể tham gia vào lĩnh vực kiểm định giáo dục là chuyện bình thường. Điều lo ngại nhất là sự minh bạch trong hoạt động cũng như sự công tâm của các Trung tâm kiểm định này đến đâu?

“Công ty tư nhân tham gia vào công tác kiểm định giáo dục, họ không được ngân sách Nhà nước cấp thì ít nhiều họ phải đặt bài toán lợi nhuận, ít nhất là thu đủ chi. Cũng có thể vì bài toán hạch toán thu chi mà họ nhắm mắt làm ngơ. Đấy cũng là tình huống mà chúng ta cần phải đặt ra.” - TS. Lê Đông Phương nêu quan điểm.

Trong khi đó, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, so với việc các Trung tâm Kiểm định giáo dục trực thuộc một trường Đại học thì việc một Trung tâm Kiểm định Giáo dục thuộc tư nhân, không phụ thuộc một đơn vị giáo dục công lập nào sẽ độc lập, khách quan hơn. Song điều ông nghi ngại ở đây là năng lực kiểm định như thế nào? Chất lượng đội ngũ kiểm định viên có đảm bảo hay không?

Tính đến tháng 12/2019, cả nước có 134 cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, trong đó có 128 cơ sở giáo dục đại học và 6 trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm.

Theo TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT, mặc dù bộ tiêu chí kiểm định khá cụ thể, chi tiết, cách thức kiểm định là đối chiếu từng quy định để được công nhận nhưng vẫn có hiện tượng các trường “sản xuất minh chứng”, tạo ra “minh chứng” để kiểm định cho xong. Và khi kiểm định xong mọi chuyện lại như cũ.

Điều mà TS. Lê Trường Tùng băn khoăn khi tư nhân tham gia vào quá trình kiểm định chất lượng là năng lực kiểm định. Đặc biệt là trình độ, khả năng của cán bộ làm công tác kiểm định. Bởi kiểm định không đơn giản chỉ là đưa ra văn bản này, tiêu chí kia mà quan trọng là khả năng tư vấn để các trường hoạt động tốt hơn. Phải đưa được văn hóa chất lượng vào các trường. “Muốn là một chuyện. Nhưng thực tế các chuyên gia kiểm định của chúng ta hiện nay chưa có được tố chất ấy.” - TS. Lê Trường Tùng nhấn mạnh.

Ai sẽ “kiểm định” các Trung tâm kiểm định?

Nhìn lại hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục trong những năm qua, TS. Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục đại học cho biết, có hiện tượng một trường đại học đăng ký kiểm định ở một đơn vị nhưng không đạt được kết quả kiểm định. Chưa đầy một năm sau, trường đại học này đăng ký kiểm định tại một Trung tâm kiểm định khác thì lại được công nhận. Chỉ trong một năm thôi, tại sao một trường được Trung tâm kiểm định này cho “đạt” còn Trung tâm khác lại cho không “đạt”?

TS. Lê Đông Phương cũng cho rằng, hiện tại các Trung tâm kiểm định đều hoạt đông theo chủ trương chung, có những văn bản hướng dẫn chung nhưng các Trung tâm này làm thực chất đến đâu là câu hỏi cần đặt ra.

“Hiện tại có 5 trung tâm kiểm định nhưng số trường và số chương trình cần được kiểm định rất nhiều. Vậy, hoạt động kiểm định đang được hoạt động như thế nào? Có đạt yêu cầu không? Có thêm 2 trung tâm kiểm định độc lập của công ty tư nhân thì liệu cơ quan quản lý nhà nước có giám sát được các cơ quan kiểm định này làm đúng chức năng, nhiệm vụ đặt ra không? Ai sẽ “kiểm định” các Trung tâm kiểm định?” - TS. Lê Đông Phương băn khoăn.

Trong khi đó, TS. Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia cho rằng, điều quan trọng của một Trung tâm Kiểm định giáo dục không phải là “cơ quan chủ quản” là ai, công lập hay tư thục, mà quan trọng là quy trình giám sát, quy trình vận hành như thế nào? Có đảm bảo tính độc lập, minh bạch hay không? Và quan trọng nữa là làm sao loại bỏ được mâu thuẫn về mặt lợi ích trong quá trình kiểm định chất lượng giáo dục?

Điều 52 Luật Giáo dục đại học sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 01/7/2019, có quy định:

1. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có nhiệm vụ đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đại học.

Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có tư cách pháp nhân, độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học, có trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm định và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

2. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập khi đủ điều kiện và có đề án thành lập theo quy định của pháp luật; được phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục khi có cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính, đội ngũ kiểm định viên cơ hữu đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Điều 5, khoản 3 của Thông tư số: 61/2012/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định:

3. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được cấp giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;

b) Có ít nhất 10 kiểm định viên làm việc toàn thời gian cho tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;

c) Có trụ sở hoạt động ổn định và điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; có đủ phòng làm việc cho kiểm định viên với diện tích tối thiểu là 8 m2/người; mỗi kiểm định viên có một máy tính và bàn ghế làm việc;

d) Có số vốn tối thiểu 2 tỷ đồng để triển khai các hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, được góp hoặc phân bổ bằng các nguồn hợp pháp;

đ) Có quy chế tổ chức và hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;

e) Có quy chế chi tiêu nội bộ;

g) Có trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.