Qua 25 năm (1996-2020) xây dựng và phát triển, Hội khuyến học Việt Nam đã phát huy năng lực của mình cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Ngày đầu thành lập, toàn hội có hơn 100.000 hội viên thuộc 21 tỉnh, thành.

Đến nay, Hội đã có tổ chức tại tất cả các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, 100% các quận, huyện, thị xã và gần 100% các xã, phường, thị trấn; Số hội viên đã tăng hơn 210 lần chiếm 21.89% dân số trong cả nước.

Trong 25 năm qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã làm tốt 3 chức năng quan trọng là khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi người học tập; hỗ trợ giáo viên và tư vấn phát triển sự nghiệp giáo dục cho các cơ quan chức năng và địa phương.

Từ khi thành lập đến nay Hội đã làm tốt công việc tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước bằng hệ thống truyền thông. Hiện nay, Trung ương hội có tạp chí, báo điện tử, 63 tỉnh, thành đều có nội san và nhiều website.

Phát biểu tại cuộc họp báo, GS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương Hội khuyến học Việt Nam cho biết, Hội đã xây dựng được quỹ khuyến học khuyến tài, quỹ gia đình, dòng họ, thôn bản, cơ quan đoàn thể.

“Quỹ của các tổ chức Hội theo cấp hành chính có quỹ cấp xã, huyện, tỉnh, trung ương, mỗi năm có 2-3 triệu học bổng cấp cho học sinh, vài chục vạn phần thưởng cho học sinh giỏi. Đặc biệt, từ 3 năm nay Hội chú ý đến công tác trợ giúp người già học tập”.

Theo báo cáo của Hội Khuyến học Việt Nam, năm 2020 do giãn cách xã hội nên tổng quỹ huy động được hơn 2000 tỷ. Những năm trước quỹ thường huy động được 3000-4000 tỷ, chú trọng hỗ trợ cho các vùng khó như Trường Sa, Tây Bắc, Tây Nguyên. GS. Phạm Tất Dong khẳng định Quỹ khuyến học đã đồng hành với nhân dân. Bên cạnh đó, Hội khuyến học cũng phát động các phong trào như “nuôi heo đất”, “giúp đỡ 1-1”.

“Ví dụ còn nhiều học sinh thiếu giấy bút đi học, thiếu tiền ăn trưa, với “Phong trào giúp đỡ 1 – 1”, chỉ cần 1 người giúp 1 em thì 1000 người giúp được 1000 em, 1 vạn người đã giúp được 1 vạn em.”

GS. Phạm Tất Dong cho hay, trong bối cảnh dịch COVID-19, Hội đã vận động nuôi trẻ em mất người thân trong đại dịch. Hiện, đã vận động nuôi được hơn một nghìn em. Quỹ Hội cũng đã trợ giúp nhiều trẻ em mồ côi hoặc những em có hoàn cảnh khó khăn do COVID-19.

Trong 25 năm qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã thành công việc việc vận động người lớn đi học với số lượng đông đảo.

“Từ trước đến nay chưa bao giờ người lớn đi học đông như hiện nay. Theo thống kê của Bộ GD số người lớn đi học thường xuyên, ở Trung tâm giáo dục thường xuyên và Trung tâm học tập cộng đồng, hàng năm có 20 triệu lượt người lớn đi học.

Làm được điều này là do chúng tôi có những người bạn đồng hành, đó là lực lượng giáo dục từ trung ương tới địa phương, các thầy cô giáo, những người làm giáo dục thường xuyên, các ban ngành, đoàn thể, Hội nông dân, Hợp tác xã, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội….

Giai đoạn 2021-2026, Hội Khuyến học Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu nâng tỷ lệ hội viên đạt 25% so với dân số của cả nước. Đồng thời, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” theo Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Hội cũng sẽ tiếp tục phát triển quỹ khuyến học nhằm tăng cường các hoạt động hỗ trợ giáo dục vùng khó khăn, tặng học bổng, phần thưởng cho học sinh, người lao động có thành tích tốt.

Cũng trong giai đoạn này, Hội Khuyến học Việt Nam tập trung đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình học tập với các chỉ tiêu cụ thể như: 50% số người trong độ tuổi lao động đạt danh hiệu “Công dân học tập”; 70% số gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”; 65% số dòng họ được công nhận danh hiệu “Dòng họ học tập”; 65% số cộng đồng (thôn, bản, tổ dân phố và tương đương) được công nhận danh hiệu “Cộng đồng học tập”...

Đại hội đại biểu khuyến học toàn quốc lần thứ VI (nhiệm kỳ 2021-2026) sẽ diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 1/12/2021. Đại hội sẽ được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch COVID-19.

Theo GS. Phạm Tất Dong, nối tiếp 5 khóa Đại hội trước, Đại hội VI diễn ra trong thời điểm đặc biệt theo tinh thần trung ương là phát triển khuyến học, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thực hiện đúng yêu cầu chuyển đổi số, công tác khuyến học cũng không thể đứng ngoài chuyển đổi số, chẳng hạn như thay đổi cách học của người lớn.

“Cán bộ, công nhân viên chức mà phải đợi đến lớp học thì rất khó trong tình hình sống chung với dịch, phải mở các lớp trực tuyến để người ta ở đâu cũng có thể học được.

Chúng tôi đang nghĩ làm thế nào để bà bán rau, ông thợ cạo, ông xe ôm cũng có thể dùng điện thoại để học tập. Chúng tôi cũng đang tập huấn từ những kỹ năng cơ bản nhất như gửi thư điện tử, muốn đặt hàng phải làm sao, muốn tư vấn của bác sĩ thì phải làm thế nào...”, GS. Phạm Tất Dong cho hay.