Kết nối trực tuyến với 300 đại biểu

Hội thảo Giáo dục 2021 sẽ gồm phiên chung, trình bày về thực trạng văn hóa học đường từ góc nhìn của các cơ quan quản lý nhà nước, ý kiến của một số chuyên gia trong nước và quốc tế về văn hóa học đường tại Việt Nam. Tiếp đó sẽ có phiên chuyên đề thảo luận về 3 nhóm vấn đề: Văn hóa học đường nhìn từ các mối quan hệ bên trong nhà trường; Văn hóa học đường trong mối quan hệ với các yếu tố tác động bên ngoài nhà trường và Văn hóa học đường trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập.

Do tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, năm nay Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tại điểm cầu Nhà quốc hội sẽ có sự tham dự của khoảng 50 đại biểu, kết nối trực tuyến với khoảng 300 đại biểu.

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ cung cấp thông tin báo chí, bà Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Ủy viên chuyên trách ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, Hội thảo đã nhận được hơn 200 tham luận của các tác giả trong và ngoài nước, trong đó phần lớn tập trung vào chủ đề “Văn hóa học đường nhìn từ các mối quan hệ bên trong nhà trường”.

Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị trung ương 8 Khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định mục tiêu: Phát triển toàn diện con người Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào, yêu gia đình, yêu tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc hiệu quả. Văn hóa học đường chính là nền tảng để rèn luyện, hoàn thiện phẩm chất ấy cho thế hệ trẻ.

Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2023, một trong những khâu được xác định là ‘tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam”. Vì thế việc xây dựng văn hóa học đường trở thành yêu cầu cấp thiết trong việc góp phần thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực trong 10 năm tới.

Từ khoảng hơn chục năm nay, ngành Giáo dục cũng đã hướng tới xây dựng văn hóa học đường thông qua cuộc vận động “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục (2006-2007), phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực (2008), gần đây triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học… Những hoạt động đó đã có tác động tích cực đến việc xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, giáo dục ý thức, kỹ năng sống cho học sinh, thúc đẩy nâng cao chất lượng dạy và học.

Tuy nhiên, do tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học, công nghệ, môi trường văn hóa, xã hội thay đổi, dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đối với văn hóa học đường, như biểu hiện thiếu trung thực trong học tập, giảng dạy, kiểm tra, thi cử và nghiên cứu khoa học, bạo lực học đường, sự thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử của một bộ phận học sinh và của số ít giáo viên….

Thực trạng này cần được nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, đầy đủ, khách quan trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị phù hợp, hiệu quả, góp phần tạo chuyển biến trong thực tế, nâng cao chất lượng dạy và học.

Giải quyết các vấn đề học thật, thi thật, điểm thật...

Ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, một năm học trải qua nhiều khó khăn trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19, Hội thảo văn hóa học đường vẫn mang ý nghĩa cấp thiết. Trong 2 năm qua, giáo dục đang thích ứng và đổi mơi từ thầy cô giáo đến học trò. Đây cũng là cơ hội chuyển đổi số.

Ngành giáo dục đã thích ứng để đảm bảo học sinh được học hành trong điều kiện không bình thường. Đây chính là văn hóa, nỗ lực vươn lên của dân tộc. Có những thầy cô cao tuổi, công nghệ chưa thành thạo nhưng vẫn nỗ lực cho những bài giảng trực tuyến… Sự thay đổi từ phương thức truyền đạt, nội dung, công nghệ là nỗ lực của hàng triệu giáo viên, học sinh trong điều kiện thiếu thốn máy móc, thiết bị với quyết tâm không để đứt gãy tri thức.

“Nhiều phụ huynh nói để an toàn con em có thể chậm học vài tháng, một năm nhưng những người làm giáo dục đều hiểu nếu có sự đứt gãy kiến thức, nếu mất căn bản về kiến thức thì rất khó. Không thể để một thế hệ đứt gãy về kiến thức, nỗ lực của dân tộc, đất nước của thầy cô và học sinh đã tiếp nối truyền thống văn hóa của dân tộc can trường, càng khó khăn càng vươn lên sáng tạo. Trong bối cảnh dịch Hội thảo có ý nghĩa khi khó khăn chúng ta quay lại gốc giá trị của mình vươn lên”.

Đặc biệt, Hội thảo cũng là hoạt động hướng tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa quan trọng, góp phần xây dựng chiến lược phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, hiện đại và hình thành thế hệ những con người Việt Nam trí tuệ, bản lĩnh trong bối cảnh hội nhập toàn cầu đầy thách thức hiện nay.

“Bác Hồ nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, hội thảo trùng hợp là một nhánh của văn hóa dân tộc. Qua hội thảo giải đáp vấn đề đặt ra văn hóa học đường, văn hóa giới trẻ để góp phần nhìn nhận lại giá trị văn hóa đất nước. Đồng thời giải quyết các vấn đề đặt ra hiện nay với ngành giáo dục như vấn đề học thật thi thật, điểm thật, đánh giá thật, tri thức thật để chúng ta có đất nước phát triển thật để đất nước vững bền”, ông Nghĩa khẳng định.

Đây là lần đầu tiên hội thảo Giáo dục được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ông Nghĩa kỳ vọng với những kinh nghiệm trong tổ chức các hội nghị trực tuyến cùng sức nóng của chủ đề Hội thảo và tâm huyết của các thầy cô giáo, hội thảo sẽ vẫn có sự tương tác cao nhất./.

Hội thảo giáo dục -VEC là hội thảo thường niên được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức từ năm 2017 nhằm tạo diễn đàn để các đại biểu quốc hội các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà giáo quản lý giáo dục chia sẻ, trao đổi thảo luận về các vấn đề trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất các giải pháp cùng cơ chế chính sách để việc tổ chức thực hiện hiệu quả. Năm 2017 chủ đề hội thảo là “Về chất lượng giáo dục phổ thông”, năm 2018 “Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế”, năm 2019 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế", năm 2020 "Tự chủ đại học – Từ chính sách đến thực tiễn".