Mạnh Thường Quân vốn là tên một nhân vật lịch sử nước Tề thời Chiến Quốc - một người nổi tiếng hào hiệp, trọng dụng hiền tài. Với tấm lòng rộng lượng, ông từng nuôi dưỡng hàng trăm người thất cơ lỡ vận, nhờ vậy từ “mạnh thường quân” sau này dùng để chỉ những người sẵn sàng giúp đỡ tài chính cho cộng đồng hay các hoạt động thiện nguyện.

Trong khi đó, từ “ôsin” lại gắn với một câu chuyện hoàn toàn khác. Xuất phát từ nhân vật trong bộ phim Nhật Bản “Ôsin” phát sóng tại Việt Nam năm 1994. Hình ảnh cô bé giúp việc nhỏ bé, kiên cường vươn lên thành doanh nhân đã in sâu vào tâm trí người xem. Dần dần, “ôsin” trở thành cách gọi thân mật, phổ biến cho những người giúp việc gia đình, thay thế cho những cách gọi cũ như “người ở” có phần miệt thị.

“Ông bầu” là một từ khẩu ngữ miền Nam - chỉ người đứng sau tổ chức, quản lý các gánh hát, đội bóng hay nghệ sĩ biểu diễn. Kết hợp với từ “sô (show), “bầu sô” hiện nay quá quen thuộc trong giới nghệ thuật, chỉ những người sắp xếp lịch diễn và thương lượng thù lao cho nghệ sĩ.

Ngoài ra, chương trình Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt còn giải thích ý nghĩa thành ngữ “Tái ông thất mã” – một bài học sâu sắc về biến thiên họa phúc trong cuộc đời. Câu chuyện kể về một ông lão sống gần biên giới: khi bị mất ngựa, ông không vội buồn; ngựa quay về mang theo tuấn mã, ông cũng không vội mừng. Con trai ông vì ngã ngựa mà tàn tật, nhưng sau đó tránh được chiến tranh, giữ được mạng sống. Thành ngữ này nhắc nhở chúng ta: trong cái rủi có thể có cái may, trong cái may có thể ẩn họa. Mọi sự biến đổi đều khó lường, nên giữ tâm thế bình thản trước mọi thăng trầm cuộc sống./.