Ngày 26/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thông tin, cả 4 học sinh của đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự Olympic Sinh học Quốc tế (IBO) năm 2025 đều giành huy chương, bao gồm: 01 Huy chương Vàng, 02 Huy chương Bạc và 01 Huy chương Đồng.
Cụ thể, em Nguyễn Lương Thái Duy, học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông (THPT) Chuyên Hà Nội – Amsterdam, Thành phố Hà Nội: Huy chương Vàng; xếp thứ 7 trong tổng số 298 thí sinh dự thi.
Em Nguyễn Hữu Thành, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Trần Phú, Thành phố Hải Phòng: Huy chương Bạc.
Em Bùi Hoàng Đại Dương, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Quốc Học, Thành phố Huế: Huy chương Bạc.
Em Lê Hoàng Kiều Anh, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, Thành phố Hà Nội: Huy chương Đồng.
Với thành tích này, đội tuyển Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có tổng điểm toàn đoàn cao nhất.

Kì thi Olympic Sinh học Quốc tế lần thứ 36 được tổ chức tại nước Cộng hòa Philippines từ ngày 19/7/2025 đến ngày 27/7/2025, với sự tham gia của 81 đoàn đến từ 81 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có 3 đoàn quan sát viên), cùng 298 thí sinh dự thi.
IBO 2025 gồm hai ngày thi chính thức: một ngày thi lí thuyết với 02 bài thi, mỗi bài 180 phút và 04 phòng thi thí nghiệm, mỗi phòng thi 90 phút.
Trong thực tế, do thêm thời gian chuẩn bị mẫu vật, thiết bị, các thí sinh đã thi thực hành liên tục trong 12 giờ, từ 12:30 ngày 22/7 tới 00:30 sáng ngày 23/7.
Hai bài thi lí thuyết có 85 câu hỏi, chủ đề xoay quanh các vấn đề thực tiễn toàn cầu như: ô nhiễm môi trường, tăng trưởng xanh, trung hòa carbon, chống biến đổi khí hậu, phòng bệnh cộng đồng, chẩn đoán và điều trị một số bệnh cơ bản theo nguyên lí y học chính xác.
Bốn phòng thi thực hành gồm, Y sinh học: với các năng lực về diễn giải điện tâm đồ, xét nghiệm sinh hóa máu và nước tiểu, diễn giải hình ảnh X-quang, đo và lựa chọn kháng sinh cho các trường hợp bệnh lí phổ biến;
Sinh học phân tử và tế bào: với các năng lực về phân tích gene, protein, đo hoạt độ các phân tử trong tế bào nhằm định danh, dự đoán tiến hóa các tác nhân gây bệnh ký sinh trùng;
Sinh thái và hệ thống học: đòi hỏi các kỹ năng giải phẫu và phân loại nhằm phục vụ định danh, giám sát, phát triển hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản bền vững;
Vi sinh vật học: với các kỹ năng phân loại và nghiên cứu tiến trình phát triển vi khuẩn và vi nấm gây ngộ độc thực phẩm ở người.
Kì thi Olympic Sinh học Quốc tế (IBO) thường được coi là kì thi quốc tế toàn diện hàng đầu về khoa học tự nhiên cấp THPT trên toàn thế giới, đòi hỏi kiến thức tổng hợp về Toán – Lý – Hóa – Sinh – Môi trường, cùng các kỹ năng phòng thí nghiệm cơ bản, trải rộng từ cấp phân tử, cơ thể tới hệ sinh thái và toàn sinh quyển.