Hằng năm, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đào tạo khoảng 4000-5000 học viên cho các doanh nghiệp theo hình thức trực tiếp và online. Tuy sự hiểu biết về pháp luật của các doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể, nhưng hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo TS Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam điều này xuất phát từ cả yếu tố khách quan và chủ quan.
Nguyên nhân khách quan ở đây là hệ thống pháp luật của chúng ta mặc dù đã rất đầy đủ, nhưng vẫn chưa hoàn thiện một cách trơn tru, vẫn chưa thật đồng bộ, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như đất đai, đầu tư, đổi mới sáng tạo, về những vấn đề liên quan đến công nghệ 4.0 trong hành chính, ông Nam phân tích.
Bản thân phía doanh nghiệp cũng tồn tại nhiều vấn đề. Một bộ phận chủ sở hữu doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến công tác pháp lý. Vẫn còn tỷ lệ rất cao các doanh nghiệp khi có vướng mắc về pháp lý không chủ động tìm hiểu mà vẫn còn tư duy tìm mối quan hệ quen biết để nhờ vả và cũng chưa thật sự mặn mà với các chương trình đào tạo nâng cao hiểu biết về mặt pháp lý.
“Để hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp có rất nhiều phương pháp, nhưng phương pháp không đúng, không phù hợp thì không đem lại giá trị thực tiễn”, TS Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định.
Để việc hỗ trợ pháp lý thực sự đạt hiệu quả, Hiệp hội đã có cách làm khác với các bộ ngành như hỗ trợ các việc cụ thể, cầm tay chỉ việc cho một số doanh nghiệp, hỗ trợ về phổ biến pháp luật thông qua các chương trình đào tạo, tổ chức lớp học trên Zoom, trên những nền tảng công nghệ khác.
Nhà nước ta rất quan tâm đến hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiêp, gần như bộ, ngành nào cũng có một vụ phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Tuy nhiên để hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đạt hiệu quả cao, đi vào thực chất, TS Tô Hoài Nam đề xuất cần phải lựa chọn các phương pháp phù hợp hơn để cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hấp thụ được kiến thức pháp lý đó. "Bởi vì nếu họ vi phạm pháp luật thì xã hội phải trả giá lớn hơn chính họ. Ví dụ như họ bán thực phẩm mà họ vi phạm pháp luật thì quá nguy hiểm Vì thế nên chúng ta cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước trong việc này, cần nguồn lực mạnh mẽ bổ sung cho công tác này.”
TS Tô Hoài Nam chỉ ra một thực tế, hiện nay số lượng các Hiệp hội có được Trung tâm hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp một cách chuyên biệt không nhiều. Để các doanh nghiệp có thể tiếp cận với pháp lý một cách sâu rộng và đầy đủ, đấu thầu công khai cũng là một biện pháp thỏa đáng.
Nghe bài viết tại đây: