Hiệu quả từ công tác xã hội hóa để kiên cố hóa trường lớp

Cách đây hơn 4 năm, Trường Mầm non Đại Đồng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái chỉ có phòng học tạm. Tất cả hoạt động của trẻ từ học tập, ăn, ngủ đều diễn ra trong một phòng nên chật chội và bất tiện. Nhưng giờ đây, trẻ mầm non được học tập trong không gian rộng rãi, có phòng ngủ riêng. Khu vệ sinh khép kín khang trang, phù hợp với lứa tuổi, phân chia thành khu vực riêng cho bé trai và bé gái.

Đây là kết quả của việc huy động nguồn lực xã hội hóa để kiên cố hóa trường lớp, xóa bỏ phòng học tạm. Cô Trần Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đại Đồng cho biết, năm 2019 Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) đầu tư cho nhà trường 6 phòng học diện tích sàn 932 m2, quy mô xây dựng gồm 3 tầng với số tiền 3,5 tỷ đồng.

Sau một năm thi công, tháng 12/2020, công trình được bàn giao cho nhà trường và đưa vào sử dụng. “6 phòng học được xây dựng đúng quy chuẩn đã giúp nhà trường thuận lợi hơn trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Đây cũng là niềm mơ ước của nhân dân xã Đại Đồng cũng như học sinh, giáo viên nơi đây”, cô Hằng phấn khởi.

Trường Mầm non Đại Đồng hiện có 170 học sinh với 7 nhóm lớp. Các cô giáo thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục các cháu trong độ tuổi từ 3-72 tháng tuổi. Đáng chú ý, nhà trường có 62 học sinh là người dân tộc Dao và Cao Lan (chiếm 1/3 tổng số học sinh).

Bà Vũ Thị Lý, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Yên Bình cho biết, kết quả đầu tư từ các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa góp phần tích cực trong việc thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non của địa phương giai đoạn 2017-2025, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Việc đầu tư xây dụng cơ sở vật chất trường lớp cũng góp phần hoàn thành các tiêu chí đạt trường chuẩn quốc gia, gắn với xây dựng nông thôn mới của huyện Yên Bình giai đoạn 2011-2025. Việc được kiên cố hóa trường lớp ở các cơ sở giáo dục cũng giúp xóa bỏ hoàn toàn việc học 2 ca. Hiện nay, 100% các lớp mầm non và tiểu học trên địa bàn huyện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày”, bà Lý cho biết.

Theo báo cáo của tỉnh Yên Bái, đến năm 2023, toàn tỉnh có 6.871 phòng học các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trong đó số phòng học kiên cố 6.026 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố là 87,7%. Số phòng công vụ cho giáo viên là 173 phòng với tỷ lệ kiên cố hóa là 100%.

Số lượng trường, lớp được đầu tư từ nguồn xã hội hóa giai đoạn 2013-2023 là 79 trường với quy mô 1.218 lớp. Kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa giai đoạn 2013-2023 là 223.780 triệu đồng.

Ông Vũ Quốc Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng, huyện Yên Bình cho hay, trước đây cơ sở vật chất của 2 nhà trường tiểu học và mầm non trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Địa phương đã trao đổi với các cơ quan chuyên môn của huyện, đặc biệt là Phòng GD-ĐT vận động nhân dân chung tay cùng địa phương xây dựng cơ sở vật chất. Trước khi thực hiện, địa phương yêu cầu nhà trường xây dựng kế hoạch thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh, thông qua cấp ủy, chính quyền địa phương phê duyệt dựa trên khả năng đóng góp của từng gia đình. Quá trình xây dựng cơ sở vật chất, các khoản thu nộp, hạng mục xây dựng đều được thông tin rộng rãi và công khai minh bạch.

Kiên cố hóa trường lớp từ nguồn xã hội hóa vẫn còn hạn chế

Những năm qua Trường Tiểu học Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái mặc dù được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm nhưng đến nay cơ sở vật chất vẫn còn chưa đồng bộ. Hiện nhà trường vẫn còn 4 phòng học tạm và thiếu một số phòng học bộ môn.

Các lớp học tạm có diện tích chỉ khoảng 30 m2 với 33 học sinh/lớp gây ra nhiều bất tiện trong tổ chức dạy học. Thầy giáo Nguyễn Văn Nguyên, chủ nhiệm lớp 5B, Trường Tiểu học Nghĩa Tâm cho biết, với không gian lớp học chật hẹp, việc tổ chức các hoạt động nhóm theo chương trình mới còn khó khăn, nhất là quá trình di chuyển của học sinh.

Theo ông Hoàng Đình Hiền – Phó bí thư, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, Nghĩa Tâm là một trong 3 xã về đích nông thôn mới của huyện Văn Chấn từ 2017 nhưng cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Trên địa bàn xã còn 70 hộ nghèo, hơn 130 hộ cận nghèo. Vì vậy, việc huy động nguồn lực xã hội hóa từ nhân dân rất khó khăn. Người dân chỉ có thể hỗ trợ ngày công, chỉnh trang khuôn viên trường học.

Thực hiện Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều học sinh của Trường Tiểu học Nghĩa Tâm không còn được hưởng chế độ theo Nghị định 116 về hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Vì vậy, nhà trường đã kêu gọi xã hội hóa từ các nhà hảo tâm để duy trì bếp ăn bán trú cho 49 học sinh. Đây đều là những học sinh khó khăn, nhà cách xa trường. “Kinh phí hỗ trợ các em ăn bán trú được các cấp quan tâm. Ngoài ra, Quỹ Trò nghèo vùng cao hỗ trợ tiền ăn cho các cháu 3 bữa với kinh phí 20.000 đồng/ngày, gạo củi phụ huynh đóng góp”, cô Hoàng Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn cho biết.

Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng GD-ĐT Văn Chấn thông tin, Trường Tiểu học Nghĩa Tâm đã được đưa vào chương trình đầu tư công giai đoạn 2026-2030, kinh phí 12,5 tỷ đồng. Trong đó, điểm chính sẽ thực hiện xây dựng khối phòng học, phòng học bộ môn và các phòng chức năng khác dự kiến 10 tỷ đồng thay thế toàn bộ khu phòng học tạm. Còn đối với điểm lẻ cách 6 km sẽ đầu tư các phòng học bộ môn, phòng học chức năng khác, công trình phụ trợ với kinh phí 2.5 tỷ.

Trong 2024, các tổ chức từ thiện đã tích cực hỗ trợ ngành giáo dục Văn Chấn kiên cố hóa trường lớp học. Từ tháng 6 đến nay, địa phương đã khánh thành 5 điểm lẻ từ các nguồn tài trợ, đa số là các phòng học mầm non.

Tại huyện Văn Chấn trong giai đoạn 2020-2024 đã có 76 dự án công trình trường học được xây dựng với tổng kinh phí 298 tỷ đồng. Nguồn kinh phí chủ yếu đến từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, dự án vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Riêng nguồn xã hội hóa đã đóng góp xây dựng 22 công trình với tổng kinh phí 14 tỷ 750 triệu đồng (chiếm 5%). Các nguồn tài trợ xã hội hóa trong đề xuất của ngành giáo dục tập trung vào các điểm lẻ và công trình phụ trợ, còn đầu tư xã hội hóa lớn chủ yếu đến từ các doanh nghiệp lớn.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, sở dĩ tỉ lệ xã hội hóa để kiên cố trường lớp học còn khiêm tốn là do Văn Chấn không có những doanh nghiệp lớn tài trợ. Trong 2 năm qua, Ngân hàng Agribank chi nhánh Yên Bái tài trợ xây dựng 2 công trình với kinh phí 7 tỷ đồng. Còn lại các nguồn kinh phí đến từ các tổ chức thiện nguyện. Do đó, mặc dù số công trình xã hội hóa nhiều nhưng nguồn kinh phí chỉ được 14 tỷ 750 triệu đồng.

Trong giai đoạn 2025-2030, theo kế hoạch đầu tư trung hạn, phòng GD-ĐT Văn Chấn cũng đang trình UBND huyện đầu tư 32 dự án với kinh phí 178.9 tỷ đồng. Trong đó, vẫn kết hợp 3 nguồn chính là xây dựng nông thôn mới, dự án vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh và nguồn kinh phí đối ứng của huyện. Bên cạnh các nguồn kinh phí của nhà nước, ngành giáo dục Văn Chấn tiếp tục kêu gọi các tổ chức, các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng thêm các phòng học, phòng chức năng, công trình phụ trợ cho các điểm trường.

Huyện Văn chấn có 24 xã, thị trấn. Trong đó có 9 xã đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 61 đơn vị trường học trực thuộc huyện, ngoài ra có 4 trường THCS, THPT trực thuộc sở giáo dục và một Trung tâm GDTX-GDNN. Đến thời điểm này, nhìn chung các đơn vị trên địa bàn cơ bản đảm bảo điều kiện về phòng học, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và giáo dục mầm non, cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy.

Theo Bộ GD-ĐT đến hết năm 2023, cả nước có gần 628.571 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập; trong đó, số phòng học kiên cố 545.375 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 86,6%. Trong đó cấp học Mầm non đã nâng tỷ lệ kiên cố hóa lên 83,0%; cấp học Tiểu học 83,2%; cấp học THCS 94,9%; cấp học THPT 97,0%.

Về nhà công vụ cho giáo viên, Bộ GDĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012. Kết quả thực hiện đến hết năm 2013, đã có 23.104 nhà công vụ giáo viên được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng.

Theo báo cáo của các tỉnh/thành phố, trong giai đoạn 2013-2023, số phòng học được đầu tư từ nguồn xã hội hóa khoảng 35.984 phòng, số phòng công vụ cho giáo viên khoảng 1.216 phòng. Tổng số kinh phí xã hội hóa để đầu tư kiên cố hóa, xây dựng phòng học, phòng công vụ cho giáo viên ước khoảng 32.896,96 tỷ đồng.