Nghe chương trình tại đây:

Lã Minh Trường thường phải đeo kính từ 10 đến 16 đi - ốp để có thể nhìn lờ mờ trong khoảng một mét. Ký túc xá Đại học Sư phạm Hà Nội chẳng ai nghĩ Trường là người khiếm thị. “Em tự chăm sóc được bản thân, làm những việc cơ bản từ đi lại, mua sắm nên có thể sống cùng các bạn sáng mắt một cách thoải mái” – Trường nói, tay với cốc nước một cách thuần thục.

Học hết lớp 5, gia đình đưa em ra Hà Nội ở trường Nguyễn Đình Chiểu. "Xác định phải học chữ nổi mới phù hợp với mắt đang kém dần, Trường mới quyết tâm ở lại Hà Nội học đấy" - chị Lê Thị Thu Hằng mẹ của Trường kể lại.

Cuộc sống có ai nhận là dễ dàng đâu, ngay cả với người không khuyết tật, huống gì cậu bé Minh Trường bị đục thủy tinh thể từ bé, suốt ngày bị va đập khi di chuyển, biết bao lần trỗi dậy sự tự ti và rồi lại loay hoay tập sống, tập vươn lên.

Những ngày học ở Hà Nội, ai cũng mong cuối tuần được về với bố mẹ, ăn bữa cơm gia đình. Trường mong ngóng bố đến cầm tay và đưa lên xe buýt về nhà ở Hưng Yên. Ngày hôm đó, bố có việc bận không đến được, Trường mạnh dạn một lần bước ra khỏi vòng an toàn.

"Em nhờ bác xe ôm chở ra bến xe, về đến bến xe tỉnh thì có dì đón" - Sau lần đó Trường chủ động nhiều hơn và tự mình đi về mà không có bố nắm tay.

Trường thích học Toán – Tin nên say mê với những con số. Trường thích được đi xa, đặt chân đến những vùng đất lạ. Con số, hình học và đường đi là thách thức với người khiếm thị nhưng là nơi em được thỏa mãn đam mê. Đó là lý do Trường tham gia các cuộc thi về công nghệ thông tin cấp quốc gia từ khi còn là học sinh phổ thông.

Đoạt giải cuộc thi Thách thức công nghệ thông tin toàn cầu dành cho thanh thiếu niên khuyết tật, Lã Minh Trường được đặt chân đến Hàn Quốc và giao lưu với sinh viên nước bạn. Ở đó mỗi người một dạng tật, ngôn ngữ cũng khác nhau. "Người này làm đôi chân hoặc đôi mắt cho người kia. Bằng cách thần kỳ đó, chúng em vẫn giao tiếp, giúp đỡ nhau. Chúng em kết hợp tạo thành sự hoàn thiện. Em thấy rằng, sự hoàn hảo bắt nguồn từ những khiếm khuyết và từ đó giúp cho em cảm nhận được năng lượng yêu thương" - Trường kể lại.

Vậy là Trường đăng ký khoa Công tác xã hội của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hiện nay Trường là Phó Bí thư Liên chi Đoàn, Uỷ viên Ban chấp hành Liên chi Hội khoa Công tác xã hội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nam sinh này đã chứng minh được rằng chỉ cần cố gắng thì việc gì người khuyết tật cũng có thể làm được.

"Anh Trường có thành tích học tập dày đặc, nhưng khi điều phối các hoạt động thì anh gần gũi với moi người, ở anh không tỏa ra ấn tượng là "mọt sách" như mọi người tưởng. Anh luôn là người bao quát dự án và quan tâm đến các thành viên" - Nguyễn Thị Nga sinh viên khoa Công tác xã hội chia sẻ.

Lã Minh Trường đạt được nhiều Bằng Khen, Giấy Khen, Giấy Chứng nhận các loại về những hoạt động Đoàn, Hội, Nghiên cứu khoa học. Em trở thành khách mời, diễn giả trong các chương trình chia sẻ của Thành Đoàn Hà Nội như Xây dựng hình mẫu Thanh niên Thủ đô; Khát vọng cống hiến - Lẽ sống Thanh niên.

Tương lai em muốn trở thành diễn giả truyền cảm hứng cũng như nhà vận động chính sách xã hội về quyền và cơ hội tiếp cận của người khuyết tật với sự phát triển công bằng bình đẳng, đóng góp cho cộng đồng người yếu thế vươn lên" - Trường nói về định hướng tương lai.

- Lã Minh Trường là sinh viên khoa Công tác xã hội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Điểm học tập trung bình GPA đạt 3.90/4.00

- Top 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2022 của Thành đoàn Hà Nội

- Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác giai đoạn 2021 – 2023

- Gương Thanh niên khuyết tật tiêu biểu nhận giải thưởng Toả sáng Nghị lực Việt năm 2022

- Đạt giải Nhì cấp trường, giải Nhất, Ba cấp khoa về Nghiên cứu khoa học năm 2022, 2023

- Giành được 3 Huy chương Quốc tế, 15 Huy chương Quốc gia về Công nghệ thông tin, Thể thao Cờ Vua của người khuyết tật.