Điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành là phải đủ 20 năm đóng BHXH đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của những người tuy đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng lại chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Theo thống kê trong, quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, hơn 476 nghìn người hưởng bảo hiểm xã hội một lần đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên, hơn 53 nghìn người đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội đã lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, hơn 20 nghìn người đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương.

Ghi nhận bên hàng lang Quốc hội, các đại biểu cho rằng, việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm được hưởng lương hưu sẽ tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, tham gia bảo hiểm xã hội muộn... được hưởng lương hưu.

“Việc chúng ta giảm từ 20 năm đóng xuống 15 năm hoàn toàn hợp lý. Thậm chí, ở thời điểm nhất định có thể giảm xuống khoảng 10 năm. Bởi, mục đích cuối cùng của chúng ta để làm sao mà nhiều người dân được tham gia bảo hiểm xã hội. Khi về già, chế độ lương hưu dù thấp hay cao cũng là một khoản cần thiết để người già chăm lo cho cuộc sống của chính mình”, đại biểu Trương Xuân Cừ, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhận định.

Không chỉ có vậy, nếu giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu cũng góp phần giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần do đủ điều kiện được hưởng lương hưu. Hơn nữa, đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn, không thay đổi so với quy định hiện hành.

Tuy nhiên, cùng với việc vừa tăng tuổi nghỉ hưu, đồng thời giảm điều kiện về thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu có thể sẽ dẫn đến việc người lao động lợi dụng chính sách nhiều lần rút bảo hiểm một lần, sau đó lại tiếp tục quay lại tham gia đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, đặc biệt là đối với những người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ sớm.

Chính vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, cùng với thay đổi một số quy định, Quốc hội cũng cần tính đến các phương án, xây dựng các chế tài để tránh việc trục lợi chính sách.

Bên cạnh đó cần tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định có liên quan kèm theo để tối ưu hóa cho sự thay đổi này, góp phần vừa mở rộng được các đối tượng hưởng lương hưu nhưng vừa giúp mức lương hưu được hưởng sẽ đảm bảo đời sống của người lao động khi nghỉ hưu.

“Để vừa đảm bảo chặt chẽ của Luật, tránh trục lợi chính sách, vừa đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, tôi thấy rằng có thể kết hợp thực hiện cả hai việc đó là giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu, vừa cho rút bảo hiểm xã hội một lần ở mức 50 %”, đại biểu Trần Đình Gia, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh nêu giải pháp.

Việc giảm điều kiện số năm tham gia đóng bảo hiểm xã hội là phù hợp với thực tế khi thị trường lao động của nước ta còn ở giai đoạn đầu phát triển nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng ngắn được hưởng lương hưu thay vì rút bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, do thời gian tham gia ngắn nên lương hưu của các đối tượng này chắc chắn sẽ thấp. Nhiều đại biểu đề nghị cần nghiên cứu có khoản trợ cấp hỗ trợ thêm từ quỹ bảo hiểm xã hội hay nhà nước để các đối tượng này đảm bảo cuộc sống.

Có thể nói, việc sửa đổi luật Bảo hiểm xã hội lần này được kỳ vọng sẽ có những giải pháp đột phá để thực hiện được lộ trình cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, để bảo hiểm xã hội từng bước mở rộng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

Mời nghe bài viết tại đây: