"Gấm Vóc Hoa Lư" nằm trong khuôn khổ các hoạt động thuộc lễ hội "Nón lá - VietNam Festival 2025", diễn ra từ ngày 30/4 đến 3/5/2025. Đây là chương trình biểu diễn thực cảnh trình diễn cổ phục quy mô lớn chưa từng có tại Ninh Bình với sự tham gia của các nhà nghiên cứu và chế tác cổ phục chuyên nghiệp nhằm tái hiện cổ phục qua các thời kỳ.
Tham gia chương trình, khán giả được tận mắt chiêm ngưỡng nhiều cổ phục độc đáo như: Mớ ba mớ bảy, Tứ thân, Ngũ thân tay chẽn, Ngũ thân tay thụng, trang phục của Vua và Hoàng hậu, Minh Nhẫn Nhụ nhân, Đối khâm bán tí, Giao lĩnh, Viên lĩnh bán tí, Diệu Tĩnh phu nhân, Từ Khoan Cẩn nhân, Nguyễn Quán Nho, Vương hầu Trần, trang phục Đinh - Tiền Lê…

Cùng với các yếu tố như phong tục tập quán, lễ hội… trang phục đã góp phần không nhỏ làm nên nét đặc sắc cho văn hóa Việt. Cứ mỗi triều đại đi qua, trang phục lại được thay đổi, cải tiến sao cho phù hợp, chứa đựng những nét văn hóa của thời kỳ đó.
Anh Lê Đức Tùng, một người yêu cổ phục cho biết, cổ phục Việt là một trong những nét văn hóa độc đáo và vô cùng quý báu của dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập với xu hướng toàn cầu hóa, hiện đại hóa thì việc khôi phục, bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là rất cần thiết. "Những chương trình như "Gấm vóc Hoa Lư" cũng là cách đưa trang phục cổ Việt Nam trở lại với đời sống đương đại, giúp cổ phục Việt có vai trò và đời sống riêng. Tôi đánh giá cao sự nỗ lực của nhiều người trẻ khi họ không chỉ phỏng dựng lại, mà còn có những dự án bảo tồn, quảng bá và phát huy cổ phục Việt trong đời sống hiện đại. Tôi nghĩ đây là phương pháp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc hiệu quả nhất".

Qua các phần trình diễn, cổ phục Việt Nam được tái hiện trong không gian lộng lẫy của Bến thuyền Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, đưa du khách trở về thời kỳ vàng son của các triều đại xưa. Không chỉ là một màn trình diễn thời trang, "Gấm vóc Hoa Lư" còn là một bức tranh sống động về bề dày văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Sau khi xem chương trình, bạn Đào Thị Nguyệt, du khách Hà Nội chia sẻ, những bộ cổ phục được thiết kế rất tỉ mỉ, sắc nét. Chương trình cũng giúp Nguyệt hiểu rõ hơn về trang phục của nhiều thời kỳ, các hoa văn, họa tiết, thậm chí cả màu sắc nào thì dùng cho nhân vật nào. "Em cảm thấy cổ phục Việt Nam là di sản quý giá, chứa đựng hồn cốt của dân tộc từ ngàn đời cần được giữ gìn, bảo tồn và phát huy".
Trong bối cảnh hội nhập với xu hướng toàn cầu hóa, hiện đại hóa, việc khôi phục, bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc có vai trò quan trọng trong việc góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Có thể, nhiều bạn trẻ đến vì tò mò muốn tìm hiểu một kiểu trang phục khác với hiện nay hay đến vì đặc tính ưa khám phá những điều mới lạ, khác thông thường của tuổi trẻ… Những rõ ràng, dù đến vì lý do gì thì cổ phục cũng có thêm cơ hội lan tỏa trong đời sống hiện đại, tiếp cận với thế hệ trẻ. Đồng nghĩa với việc văn hóa truyền thống không bị lãng quên trong nhịp sống có phần vội vã, xô bồ hiện nay.