Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, năm 2024 ngành hàng không nước ta đã đạt lại được mức phát triển của năm 2019 – vốn được xem là đỉnh cao của ngành trước khi bước vào giai đoạn suy thoái do đại dịch Covid-19. Theo đó, tính đến 15/12, sản lượng vận chuyển quốc tế đạt khoảng hơn 41 triệu lượt hành khách, tăng 27% so với năm 2023, trong đó các hãng bay nội địa chiếm đến 42% thị phần. Tỉ lệ lấp đầy của các chuyến bay đạt 80%...

Theo ông Võ Huy Cường, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, đạt được kết quả này là do nước ta đã tạo lập và duy trì được vị thế, hình ảnh một điểm đến an toàn, đặc biệt là bảo đảm an ninh, an toàn hàng không. Thủ tục cấp thị thực của Việt Nam hiện nay được đánh giá thông thoáng so với các nước trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch quốc tế nhập cảnh Việt Nam. Cùng với đó, kể từ sau đại dịch Covid-19, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải… đã tích cực trao đổi với các đối tác nước ngoài để khôi phục các đường bay quốc tế bị đứt gãy do dịch bệnh. Điều này góp phần tạo dựng niềm tin của các hãng bay nước ngoài về sự đồng hành và trách nhiệm của Việt Nam.

"Những nỗ lực của Chính phủ, nhà chức trách hàng không Việt Nam đối với sự phát triển thị trường hàng không quốc tế là rất đáng ghi nhận. Cùng với đó, việc cơ sở hạ tầng hàng không không ngừng được nâng cấp, mở rộng cũng cho thấy chúng ta đã có sự phát triển cực kỳ lớn", ông Võ Huy Cường nhấn mạnh.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia cạnh tranh mạnh mẽ để thu hút khách du lịch quốc tế, Việt Nam đang tích cực khai thác các điểm mạnh chiến lược để tăng cường khả năng cạnh tranh.

Ngày 18/05/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy du lịch, trong đó có việc cải thiện hạ tầng và dịch vụ logistics, bao gồm logistics hàng không, để nâng cao trải nghiệm du khách và phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam.

Ngày 24/2/2024, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị Về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững. Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, bao gồm Bộ Giao thông Vận tải, nghiên cứu và triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không và logistics, hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam.

Các ý kiến tại Diễn đàn đều cho rằng, đối với ngành du lịch, việc tăng cường liên kết, phối hợp, chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi với các bên liên quan là rất cần thiết, trong đó có vai trò quan trọng của ngành vận tải nói chung và ngành hàng không nói riêng. Bởi thực tế, khách quốc tế đến nước ta có đến trên 80% là đi bằng đường hàng không. Do đó để thúc đẩy phát triển thương hiệu điểm đến cho du lịch Việt Nam thời gian tới, việc nâng cao chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, bài bản, khoa học cần phải được chú trọng.

Theo TS. Lê Tuấn Anh, Trưởng Khoa Quản trị Du lịch và Ngôn ngữ Quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, ngành hàng không không chỉ là cầu nối giữa khách du lịch với điểm đến Việt Nam, mà còn là kênh quảng bá cho du lịch Việt, giữ vị trí rất quan trọng trong việc bắt đầu, kết thúc cũng như thúc đẩy việc quay trở lại của du khách.

"Chúng ta đã trải qua giai đoạn phát triển du lịch đại chúng. Đôi lúc giá cả chỉ là một phần thôi, khi đó chất lượng dịch vụ nó thể hiện qua con người, thể hiện qua văn hóa, cùng đó là vấn đề vệ sinh, an ninh, an toàn, cách sắp đặt điểm đến ứng xử của từng con người trong suốt cả chặng đường hành trình. Do đó tôi cho rằng, chất lượng là rất quan trọng. Chất lượng tích hợp rất nhiều giá trị, đặc biệt là giá trị văn hóa, tạo nên một điểm đến hấp dẫn", TS. Lê Tuấn Anh nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Ngọc Bích – Chỉ tịch HĐQT Rustic Hospitality Group đề xuất, hợp tác giữa hàng không và du lịch theo hướng xây dựng chiến dịch quảng bá chung, tạo các gói khuyến mại, xây dựng câu chuyện cho sản phẩm du lịch bền vững, nâng cao hệ sinh thái du lịch…

Cũng tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận cũng như đưa ra các giải pháp về việc khai thác mạng lưới hàng không quốc tế kết nối Việt Nam và các thị trường du lịch quốc tế lớn; Xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam và giải pháp cho các điểm du lịch thông qua dịch vụ hàng không; Phát triển thương hiệu điểm đến du lịch xanh Việt Nam để thu hút khách du lịch quốc tế. Tích hợp các giá trị, phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam trong tình hình mới…

Thông qua Diễn đàn, các đại biểu kỳ vọng sẽ góp một tiếng nói nhằm hiện thực hoá mục tiêu đề ra đến năm 2030 ngành du lịch nước ta thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.