Trong năm 2024, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, đặc biệt là tội phạm ma túy diễn ra phức tạp, quy mô với nhiều thủ đoạn tinh vi. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã làm tốt công tác tham mưu Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, Ngành, cơ quan chức năng, tổ chức lực lượng phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, nhiều vụ ma túy lớn, đặc biệt là các vụ án theo đường dây tội phạm quốc tế, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn xã hội. Dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo các cấp, cùng tinh thần quyết tâm, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức trong Ngành, năm 2024 toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ 293 vụ/355 đối tượng, trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 110 vụ. Tổng số lượng tang vật thu giữ gần 2.3 tấn ma tuý các loại.
Để đạt được kết quả nổi bật nêu trên, lãnh đạo các cấp ngành Hải quan đã đặc biệt quan tâm, quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, cá nhân trong toàn Ngành nêu cao nhận thức, ý thức, tinh thần trách nhiệm trong phòng chống ma túy; chủ động và đảm bảo hiệu quả công tác kiểm soát ma túy trong địa bàn hoạt động hải quan; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các đơn vị trong Ngành và giữa cơ quan Hải quan với các cơ quan chức năng, chuyên trách được triển khai, đồng bộ, thống nhất nhằm kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý các vi phạm, tội phạm liên quan đến ma túy. Trên bình diện quốc tế, lực lượng Hải quan cũng đã góp phần khẳng định vai trò, vị thế và nỗ lực của cơ quan Hải quan Việt Nam, đóng góp vào nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu trong trận chiến đẩy lùi ma túy và các tác hại khôn lường liên quan đến tội phạm ma túy.
Vai trò nổi bật của Hải quan Việt Nam trong điều phối, triển khai chiến dịch Con rồng Mê Kông VI về chống buôn bán bất hợp pháp ma tuý, động vật, thực vật hoang dã. Chiến dịch Con rồng Mê Kông VI nằm trong chuỗi chiến dịch cùng tên của Chương trình hành động chung về chống buôn bán bất hợp pháp ma tuý, động vật, thực vật hoang dã và các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã thuộc danh mục CITES trên các tuyến đường bộ, đường biển và hàng không do Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến. Kể từ khi triển khai Chiến dịch đến nay, Hải quan Việt Nam luôn là thành viên tích cực, thể hiện vai trò chủ động của nước đồng sáng kiến và điều hành Chiến dịch, đồng hành, sát cánh cùng các thành viên thuộc nhóm điều phối theo dõi, bàn bạc, thảo luận và đưa ra phương hướng, cách thức hoạt động hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn của Chiến dịch.
Với vai trò thành viên của Chiến dịch, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ Kế hoạch triển khai Chiến dịch trên cơ sở tuyên bố chung giữa lãnh đạo hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Theo đó, Chiến dịch Con rồng Mê Kông tại Việt Nam đã chính thức đi vào triển khai, hoạt động từ ngày 15/4/2024 đến ngày 16/11/2024. Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo triển khai Chiến dịch trong toàn Ngành với phương châm mở rộng phạm vi hoạt động và kết nối thành viên liên khu vực tham gia Chiến dịch. Trong đó đã thiết lập trên 40 đầu mối quốc gia cấp 2 để kết nối, trao đổi thông tin kịp thời.
Qua thời gian triển khai Chiến dịch, Hải quan Việt Nam đã cập nhật tổng số 77 vụ việc bắt giữ ma túy và động, thực vật hoang dã lên hệ thống CENCOmm, trong đó, số vụ bắt giữ ma túy: 59 vụ, khối lượng ma túy bắt giữ: 395 kg (trong đó có gần 104.410 viên ma túy tổng hợp); Số lượng động, thực vật hoang dã: 18 vụ, khối lượng tang vật tịch thu gồm: 269 kg; 353 cá thể, sản phẩm từ động, thực vật hoang dã. Sự thành công của chiến dịch Con Rồng Mê Kông thể hiện vai trò chủ động của Hải quan Việt Nam trong các vấn đề kiểm soát khu vực và đã được cộng đồng Hải quan quốc tế và các tổ chức thực thi pháp luật đánh giá cao về chất lượng hợp tác, thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, góp phần nâng cao hình ảnh của Hải quan Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Đồng thời, sự thành công của Chiến dịch là minh chứng cho nỗ lực rất lớn của các thành viên, sự phối hợp điều phối tích cực của nhóm điều phối, sự hỗ trợ hiệu quả của Văn phòng UNODC khu vực và RILO AP.