[VOV2] - Là một trong những người thành lập nhóm 3D Hà Nội, kiến trúc sư (KTS) Đinh Việt Phương và cộng sự đã số hóa di sản, ứng dụng trí tuệ nhân tạo phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam.
KTS Đinh Việt Phương bắt đầu công việc số hóa di sản văn hóa từ năm 2004.
Ngay từ những ngày đầu, anh Phương đã cùng sinh viên trường đại học Kiến Trúc Hà Nội thực hiện việc vẽ 3D mô phỏng phố cổ Hà Nội, triển lãm với các tác phẩm vẽ về 3 thời kỳ Hà Nội cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và mùa Đông năm 1946.
KTS Việt Phương mô phỏng ảnh bức tượng Quan âm Hội Hạ chỉ cao 70 cm, nhỏ hơn nhiều so với bản gốc cao tới 3m. Bản gốc là một trong những tượng Quan âm lớn nhất thế kỷ 16 tại Việt Nam.
Tượng cụ Trịnh Thị Ngọc Trúc, con gái vua Trịnh Tráng. Pho tượng được tạc nguyên khối mô tả hình ảnh bà trong tư thế chân xếp bằng kiểu Kiết Già toàn phần; một tay ngửa ra đặt trong lòng đùi, tay kia giơ ngang ngực kết ấn Vô Úy.
Công nghệ 3D ứng dụng vào phục dựng kiến trúc một cột chùa Dạm.
Pho phật mẫu chuẩn đề chùa Mễ Sở mô phỏng bằng công nghệ 3D
Các cộng sự đang chỉnh sửa lại từng chi tiết của cổ vật.
Theo KTS Việt Phương, công việc số hóa cũng gặp nhiều khó khăn khi hiện vật không còn được nguyên vẹn nên phục dựng khó hơn.
Để cho ra đời một sản phẩm số hóa, cần tìm hiểu kỹ không gian văn hóa liên quan đến sản phẩm đó, lên bản đề cương chi tiết, cùng các nhà nghiên cứu chuyên môn bàn thảo để cho ra bản vẽ hoàn chỉnh, cuối cùng đưa vào sản xuất.
Sự hiện hữu sống động qua những hình hài mới mẻ, hấp dẫn sẽ giúp người dân thêm hiểu, thêm yêu những di sản người xưa để lại. Từ đó, bảo vật có thể bước vào đời thực, biểu đạt và phát huy giá trị của riêng mình. Đó cũng là điều mong mỏi của những cá nhân, tổ chức dành trọn tâm sức trên hành trình “thổi hồn” cho bảo vật quốc gia.
Mời quý vị và các bạn nghe cuộc trò chuyện giữa phóng viên VOV2 và KTS Đinh Việt Phương: