Từ khi nghỉ hưu đến nay, hầu như tháng nào bà Lê Thị Uyển ở phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cũng phải đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Mang trong mình nhiều bệnh người già như: mỡ máu, huyết áp, xơ vữa động mạch, thoái hóa khớp…nên mỗi tháng tiền thuốc men của bà còn tốn hơn cả mua thực phẩm. Thế nhưng nhờ có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), bà Uyển hoàn toàn yên tâm.

Gần 1 tuần điều trị bệnh gan tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, ông Đào Đức Chuật, ở phường Hà Khẩu không phải bận tâm, lo lắng gì về tiền viện phí, thuốc men. Do có lương hưu, lại là người có công với cách mạng, nên ông được BHYT chi trả 100%. Ông Chuật cho biết nếu không có BHYT thanh toán thì chắc chắn gia đình ông sẽ phải trả một khoản phí rất lớn cho ca phẫu thuật. Điều đó sẽ tạo gánh nặng đối với con cháu.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng được quỹ bảo hiểm y tế chi trả 80% chi phí khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Còn đối với người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng thì được quỹ bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Nhờ có BHYT nên cuộc sống của bà Trần Thanh Bình phường Hồng Gai khá thảnh thơi. Bà cho biết: tiền lương hưu hàng tháng cũng đủ để trang trải cuộc sống, còn khi đau ốm đến bệnh viện được khám, cấp thuốc miễn phí. Càng lớn tuổi, bà càng thấy giá trị của lương hưu, bởi người già thì hay đau ốm, không có lương, không có BHYT đến bệnh viện thì vô cùng tốn kém.

Luật bảo hiểm Y tế (sửa đổi) bắt buộc mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Dù có cơ chế giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi, những với những hộ gia đình có từ 4 - 5 thành viên cùng tham gia thì cũng là điều khó khăn vì số tiền phải đóng lên đến gần 2 triệu đồng. Tuy nhiên, nghĩ đến lợi ích mà bảo hiểm y tế đem lại, bà Nguyễn Thị Tuyết ở phường Hà Khẩu vẫn quyết định tham gia. Mỗi năm dù có đóng mấy trăm tiền bảo hiểm nhưng bù lại khi mình chẳng may ốm đau, tai nạn sẽ được bảo hiểm chi trả, thế nên những người cao tuổi như bà sẽ cảm thấy bớt gánh nặng về kinh tế, bệnh tật. Bà Tuyết cho hay.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện còn hơn 500.000 người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo chưa có bảo hiểm y tế. Mục tiêu đến hết năm nay, ngành quyết tâm thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế hết số người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo này. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng mọi mặt tới đời sống người dân nói chung, người cao tuổi nói riêng, quyền lợi người cao tuổi tham gia bảo hiểm y tế càng phải được đảm bảo và thực hiện kịp thời.

Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Nguyễn Thanh Bình cho rằng, thời gian qua, người cao tuổi ngày càng nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh vừa qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu Chính phủ kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có người cao tuổi, nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Hội Người cao tuổi Việt Nam cũng đề xuất Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sớm sửa đổi Luật Người cao tuổi; phối hợp để giải quyết 5% số người cao tuổi hiện nay chưa có thẻ bảo hiểm y tế, để 100% số người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe thông qua bảo hiểm y tế.

Với tốc độ già hóa dân số rất nhanh, người cao tuổi luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo sức khỏe, bảo đảm ngày càng tốt hơn các điều kiện để người cao tuổi dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Khi sức khỏe giảm sút, việc tham gia bảo hiểm y tế của người già là vô cùng cần thiết nhằm đề phòng những rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào./.

Mời nghe phóng sự tại đây: