Tết đến, Xuân về là dịp các gia đình sum họp, thăm hỏi, chăm sóc ông bà, cha mẹ. Nhưng những xáo trộn về nếp sinh hoạt, ăn uống cùng sự thay đổi của thời tiết có thể làm tăng các nguy cơ về sức khỏe cho người cao tuổi.

Người cao tuổi thường mắc các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, tiêu hóa… vì vậy chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của người cao tuổi rất cần được chú ý để đảm bảo sức khỏe sau những ngày vui Tết.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Khánh Hiệp (Phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế Thái Nguyên), để chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi dịp Tết, cần chú ý:

Chế độ tập luyện thể dục, ngủ nghỉ

Những ngày Tết, người cao tuổi tránh thức khuya, cần ngủ tối thiểu 6 tiếng/ngày, buổi trưa cũng nên ngủ khoảng 30 - 60 phút; Trước lúc ngủ tối nên tập thể dục nhẹ nhàng giúp giấc ngủ sâu hơn; Nên chọn địa điểm thuận lợi để đi bộ, thư giãn và tận hưởng không khí ngày tết.

Trong những ngày thay đổi thời tiết, trời rét hay mưa phùn, người cao tuổi nên vận động ở trong nhà. Tập thể dục ở những nơi không bị gió lùa, mỗi ngày tập khoảng 60 phút, mỗi lần tập từ 15-20 phút. Những môn thể dục phù hợp là dưỡng sinh, khí công, thái cực quyền, thiền…

Những người bị bệnh về cột sống thoái hóa cột sống, cao huyết áp, tim mạch…cũng cần tham khảo ý kiến bác sỹ để lựa chọn môn thể thao phù hợp.

Quan tâm chế độ dinh dưỡng

Nguyên tắc: Không nên thay đổi quá nhiều, quá đột ngột về số lượng cũng như chất lượng bữa ăn, món ăn. Tránh ăn quá no, bữa chính nên ăn 80-90% so với thường ngày, bù phần thiếu vào các bữa ăn phụ, ăn thêm.

Hạn chế chất béo, chất bột đường, bánh kẹo và đồ uống có cồn. Hạn chế các món nguội, món để tủ lạnh, món quay, rán, nướng… là những món khó tiêu, dễ bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh.

Nên ăn đồ nóng, ăn mềm, các món ninh, hấp, luộc; ăn đủ rau xanh và hoa quả chín để tăng cường chất xơ, vitamin và chất khoáng, tốt cho hệ tiêu hóa.

Lựa chọn các món trong ngày Tết

Các món giàu chất đạm: Nên ăn các loại thịt ít mỡ, ăn cá, giò lụa, đậu đỗ, lạc, vừng, đậu phụ. Ăn nhiều chất đạm quá cũng không tốt vì gây khó tiêu, tăng thải canxi, có thể dẫn rối loạn tiêu hóa, dễ bị loãng xương, bệnh gút.

Không nên ăn các thức ăn có nhiều mỡ như giò mỡ, giò thủ, thịt mỡ, lòng, mề; người cao tuổi không nên ăn nhiều mỳ tôm vì chứa hàm lượng chất béo rất cao bị hấp phụ trong quá trình chế biến.

Các món giàu chất bột đường: Người bệnh đái tháo đường, mỡ máu cao, cần ăn các món giàu tinh bột như cơm, bánh chưng... thành bữa nhỏ, ăn 5-6 bữa mỗi ngày. Các món ăn như miến gà, phở bò-gà, bún măng… là những món dễ ăn, ít chất béo, không nhiều năng lượng… phù hợp với người cao tuổi.

Hạn chế ăn bánh kẹo ngọt, nhất là người bị bệnh đái tháo đường, mỡ máu cao. Nên dùng đúng theo nghĩa “nếm”, mỗi lần ăn một trong các loại sau: 1-2 chiếc kẹo con, 1-2 chiếc bánh quy...

Mỗi ngày nên ăn đủ 3 nắm rau xanh, ngày ăn 200-300 gam quả chín, mỗi bữa ăn 1 loại… cung cấp thêm vitamin và chất khoáng, chất xơ giúp cho quá trình tiêu quá thuận lợi, chống táo bón, trẻ lâu.

Hạn chế uống rượu, bia trong những ngày Tết: Trước bữa ăn có thể dùng chút rượu nhẹ như rượu vang đỏ (30-50 ml/ngày) để khai vị, có tác dụng tốt cho tuần hoàn, chống ôxy hóa, giảm nguy cơ ung thư.

Con cháu cũng không nên cố mời, ép các cụ uống rượu bia, đặc biệt người mắc bệnh về tim mạch, huyết áp, hen suyễn, tiểu đường…

Người cao tuổi cần uống đủ nước mỗi ngày, tác dụng chống táo bón, đào thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Trung bình cần uống thêm khoảng 1,0-1,5 lít nước/ngày, nên uống làm nhiều lần, mỗi lần một ít, ưu tiên cho uống ban ngày. Có thể nhìn màu sắc nước tiểu để đánh giá uống đủ nước: màu trắng hoặc vàng nhạt là đủ nước, từ sẫm màu đến màu cà phê là thiếu nước. Chờ có dấu hiệu khô miệng, khát nước mới uống là quá muộn, không tốt cho sức khỏe.

Không nên ăn các món quá mặn chế biến sẵn như dưa muối, cà muối, thịt ướp muối… để phòng tránh một số bệnh tim mạch, huyết áp.

Nguồn: giaoducthoidai.vn