Đều đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, vợ chồng ông Hàng A Sở, dân tộc Mông ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La vẫn thường xuyên như con thoi trong vườn, ngoài nương.

Vậy nên sản phẩm của ông bà cứ thu ầm ầm, mỗi năm trừ chi phí cũng lãi cả mấy trăm triệu đồng, có năm cao điểm lãi gần tỷ bạc. Hằng năm, cứ vào mùa thu hoạch, những xe cam canh, mận hậu của gia đình ông Sở vẫn đến với khách hàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc sản xuất, lưu thông hàng hóa, đưa sản phẩm ra thị trường có phần khó khăn hơn. Vừa chăm sóc giữ gìn cho cây trồng, gia đình ông vừa phải bảo đảm các yêu cầu phòng chống dịch như thực hiện nghiêm quy định 5K (khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập, khoảng cách, khai báo y tế), nhất là đối với những người tham gia lao động trong vườn nhà, vận chuyển hàng hóa đi các tuyến. Đặc biệt, ông cũng luôn sẵn sàng trong trường hợp phải thực hiện cách li y tế và giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và theo chỉ đạo của cơ quan chức năng…

Không chỉ làm kinh tế giỏi, cả hai ông bà đều là hội viên mẫu mực của Người cao tuổi thị trấn, ông Hàng A Sở còn đảm nhiệm thêm cương vị Chi hội trưởng Chi hội Ngành nghề nông nghiệp - nông thôn tiểu khu (bản) Pa Khen, thị trấn Nông trường, là hội viên NCT tiêu biểu, đã nhiều lần được các cấp, các ngành khen thưởng.

Đến thăm gia đình ông vào đúng dịp thu hoạch, có lẽ không gì thú vị hơn khi được thưởng thức những miếng cam thơm vàng ngọt lịm, trái mận căng mọng nước ngọt ngọt chua chua đậm đà giữa ngày nắng gắt trong khuôn viên mấy héc ta với cả ngàn gốc mận, cam chĩu chịt. Tiếng ong vo ve rủ nhau làm tổ đan xen tiếng mấy bác thợ vườn râm ran trò chuyện.

Ông Sở nhớ lại những ngày đầu “khởi nghiệp”. Ông thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng dẫn, chỉ đạo của chính quyền địa phương, mà cụ thể là chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực trên đất dốc, kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Vợ chồng ông bỡ ngỡ đến mức không hình dung ra sẽ trồng cây gì, bởi tập quán trồng cây lương thực (lúa nương) lưu truyền từ nhiều đời, quen khó thay đổi. Bà con chòm xóm, đồng bào, ai cũng quen với việc tra ngô, trỉa lúa, rồi thả mặc đến khi thu hoạch, phụ thuộc thời tiết nắng mưa.

Thế rồi, ông được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho năng suất cao. Áp dụng kiến thúc thu lượm được từ lớp tập huấn và kinh nghiệm của một “lão nông tri điền”, lại được Hội khích lệ, động viên, ông bàn với vợ con bắt đầu từ cải tạo vườn tạp, mạnh dạn phá bỏ những cây trồng không có giá trị trong vườn nhà, chuyển phần diện tích nương trên đất dốc sang trồng mận, cam, bơ, hình thành gia trại có vườn - ao - chuồng vừa trồng trọt vừa chăn nuôi. Ông bảo, nuôi gia súc, gia cầm vừa phục vụ nhu cầu của bà con và gia đình vừa để lấy phân bón cho cây. Còn ao không chỉ nuôi cá mà còn làm nơi trữ nước tới cây và là “hồ điều hòa” cho cả khu vực.

Với mong muốn có vườn cây đẹp, năng suất cao và sản phẩm chất lượng cung cấp ra thị trường, vừa làm, ông vừa tranh thủ học hỏi kinh nghiệm của những mô hình hiệu quả trong vùng, tích cực trao đổi, tập chiết, ghép cây giống, cắt tỉa, chăm sóc để cây khỏe, phát triển tốt. Để giữ quả đẹp không bị giập nát bởi mưa gió và thời tiết, vợ chồng ông đồng đầu tư gần 300 triệu làm nhà lưới và thiết kế hệ thống tưới ẩm nhỏ giọt cho toàn bộ diện tích cây trồng.

Sau mấy năm kiên trì tập trung cải tạo đất, “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, không biết bao lần tắm nắng mưa, bao đêm dài trăn trở nghĩ cách đầu tư hiệu quả, đến nay gia đình hội viên gia đình ông đã có hơn 2ha trồng mận hậu, cam canh đường, bơ cho thu hoạch, năm sau cao hơn năm trước. “Năm 2016 trừ chi phí, gia đình cũng thu lãi 300 triệu đồng, năm 2018 thu lãi 600 triệu đồng và vụ thu năm ngoái 2020 tăng lên 900 triệu đồng, bình quân mỗi thành viên trong gia đình thu 150 triệu đồng mỗi năm”, ông Sở chia sẻ.

Không chỉ làm cho vườn nhà, ở cương vị Chi hội trưởng Chi hội Ngành nghề nông nghiệp - nông thôn của bản, ông Sở còn chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn hội viên và bà con trong bản chuyển giao, áp dụng khoa học kĩ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Do vậy, đến nay, các hộ gia đình trong bản Pa Khen đều có từ 1,5 đến 2ha cây ăn trái, hằng năm thu 250 đến 300 triệu đồng. Học theo mô hình nhà lưới và hệ thống tưới ẩm của gia đình ông, cả bản đã có 35ha nhà lưới bảo vệ cây trồng và 1,5ha hệ thống tưới ẩm. Cây trái phát triển tốt, thu nhập ổn định từ cây ăn quả, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào nâng lên rõ rệt, bản Pa Khen đã không còn hộ nghèo và cận nghèo.

Nguồn: ngaymoionline.com.vn