Do tác động của già hóa dân số khiến tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta thuộc diện hộ nghèo còn cao, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu; số người cao tuổi (NCT) có lương hưu, bảo hiểm, trợ cấp xã hội còn thấp. Theo GS - TS Phạm Thắng - Chủ tịch Hội lão khoa Việt Nam, tốc độ già hoá dân số nhanh cũng khiến công tác chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi ở nước ta phải đối mặt với nhiều thách thức đặc biệt là những bệnh mãn tính, thời gian chữa trị lâu dài, chi phí lớn. Nhiều người cao tuổi các chức năng bị suy giảm không thể sống một mình và tự mình phục vụ được.

Để nâng cao hiệu quả công tác xã hội đối với người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số, các cơ quan chức năng đã đặt ra mục tiêu cụ thể nhằm hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách trong đó có việc tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi hiệu quả, dựa vào cộng đồng. “Việc xây dựng các mô hình Viện dưỡng lão chuyên nghiệp và phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều dưỡng người cao tuổi gắn với chăm sóc tại gia đình, cộng đồng và gắn kết với cơ sở trợ giúp xã hội tại một số địa phương sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động công tác xã hội đối với người cao tuổi” - ông Trương Xuân Cừ - Phó Chủ tịch TW Hội Người cao tuổi Việt Nam nhấn mạnh.

Hiện cả nước có hơn 420 cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung cả người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật. Trong số này, có hơn 20 cơ sở dưỡng lão tư nhân chăm sóc người cao tuổi. Bên cạnh những trung tâm của nhà nước, viện dưỡng lão giá rẻ, còn có các viện dưỡng lão cao cấp theo mô hình của Nhật Bản…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê nước ta có hơn 72% người cao tuổi sống cùng với con cháu, số còn lại chọn sống tách biệt với con cái. Một số nghiên cứu cũng cho thấy những người cao tuổi có trình độ học vấn cao, hiểu biết và có nhiều kinh nghiệm muốn sống độc lập, nên họ lựa chọn đến sống tại các Trung tâm dưỡng lão. Khi vào đây, không những các cụ có bạn già để trò chuyện, tâm sự để xóa bỏ cảm giác cô đơn, trống trải mà còn được các nhân viên chăm sóc y tế thường xuyên, đảm bảo sức khỏe, luôn coi các cụ như người thân trong gia đình.

Bà Lê Kim Nguyệt, 82 tuổi, có 3 người con. Các con của bà đều thành đạt và có địa vị trong xã hội. Công việc bận rộn nên các con ít có thời gian chăm sóc nhất là khi bà phát hiện bị tiểu đường. Được một người bạn giới thiệu, bà Nguyệt quyết định vào Trung tâm chăm sóc NCT Phù Đổng. “Vào đây thích hơn là ở nhà một mình, ở nhà chẳng có ai nói chuyện ngoài xem vô tuyến, con cháu về lại chuyện trò vài câu rồi nó đi đường nó. Tôi có bệnh tiểu đường, vào đây họ chăm sóc mình tốt hơn, có gì mình kêu luôn” – Bà Nguyệt tâm sự.

Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Phù Đổng được thành lập từ năm 2006. Hiện nay, Trung tâm có hơn 100 cụ, phần lớn đều ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. Mỗi người khi vào trung tâm lại có những hoàn cảnh khác nhau: có cụ con cái rất thành đạt nhưng đi làm suốt ngày nên phải sống một mình trong bốn bức tường, cũng có cụ phải sống neo đơn, không nơi nương tựa, thậm chí có những cụ còn bị lú lẫn, hoang tưởng, liệt, không tự chủ được hành động... “Nhiều cụ rất khó tính trong vấn đề ăn uống nên các nhân viên phải tìm hiểu thật kỹ sở thích, tính cách của từng người, ví dụ có cụ ăn chia theo khẩu phần, có cụ cho hết thức ăn vào tô rồi xúc, có cụ lúc thích ăn cháo, lúc thích ăn cơm… Các nhân viên phải đoán ý để làm theo yêu cầu của các cụ”, chị Trương Thị Ngọc - nhân viên y tế của Trung tâm cho biết.

Với hơn 30 nhân viên có trình độ chuyên môn về điều dưỡng nên hàng ngày các cụ được phục vụ ăn uống ngủ nghỉ rất khoa học. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe, Trung tâm cũng luôn quan tâm đến chế độ dinh dưỡng. Thực đơn rất phong phú, luôn được thay đối từng ngày.

Gần 20 năm gắn bó với nghề điều dưỡng viên, thì có hơn nửa thời gian chị Phạm Kim Quy gắn bó với người cao tuổi. Theo chị Quy, khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngoài việc phải nắm vững bệnh tình của từng cụ thì người điều dưỡng phải thường xuyên theo dõi những thay đổi về tâm, sinh lý để điều trị và can thiệp y tế khi cần thiết. “Nếu như chưa nắm bắt được tâm lý của các cụ thì làm việc cũng gặp nhiều khó khăn. Người điều dưỡng phải có cách tiếp cận để nắm được tâm tư, nguyện vọng của các cụ, nếu như giải tỏa được tâm tư của các cụ thì việc chăm sóc cũng dễ dàng hơn” – Chị Quy trải lòng.

Mỗi điều dưỡng viên đều có cách riêng để nói chuyện đôi khi là tâm sự, chia sẻ với người cao tuổi. Vì vậy công việc này không chỉ đòi hỏi chuyên môn mà còn cần có sự khéo léo, chu đáo, ân cần như 1 người bạn, người con, người cháu của các cụ.

Chính sự chuyên nghiệp, chu đáo, tận tình của những nhân viên ở viện dưỡng lão mà các cụ khi đến đây luôn có cảm giác thân thiện, ấm cũng như trong gia đình. Điều đó đã khiến không ít người cao tuổi lựa chọn viện dưỡng lão là nơi gửi gắm quãng đời còn lại của mình./.

Mời nghe chương trình tại đây: