Bà Nguyễn Thị Thành nổi tiếng ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP.HCM không chỉ vì tấm lòng nhân từ đối với 250 công nhân đang ở trọ, mà còn là cách bà nuôi dạy con.

Bà là Nguyễn Thị Thành sinh năm 1954, trong gia đình đông anh chị em. Thuở nhỏ, nhà khó khăn nên bà không được đi học. Lớn lên đi làm, bà gặp chồng bây giờ.

Bà Thành kết hôn khi vừa tròn 20 tuổi. Hai vợ chồng bà chịu thương chịu khó làm lụng. Trong ký ức của bà, ngày ấy, ấp Đông 1 còn là cù lao, ở giữa có gò đất nổi, xung quanh là ruộng nước.

Người dân trong vùng thường trồng các loại rau củ quả như bầu, bí, dưa leo… Vợ chồng bà ngày ngày dậy sớm đi thu mua rồi bỏ cho mối buôn, hoặc đi bán lẻ ở chợ. Buôn bán gần 20 năm, đến năm 2002, vợ chồng bà quyết định nghỉ bán, xây phòng trọ cho thuê.

Vợ chồng bà có 6 người con, 5 trai, 1 gái. Cả 6 người đều hiền lành, thật thà, học hành đầy đủ. Hiện tại, họ đều là công chức nhà nước, có người làm ở xã, có người làm ở huyện, quận. Từ nhỏ đến lớn, 6 người con luôn là niềm tự hào của bà. Để có được thành tựu vững vàng của các con là sự góp sức không nhỏ của vợ chồng bà.

Từ nhỏ tới lớn, 6 người con của bà chưa bao giờ lớn tiếng. Chỉ cần có một trong 6 người không đồng lòng, bà sẽ răn dạy: 'Tất cả đều là anh em trong nhà chứ không phải người ngoài'. Vì vậy, có thời điểm 3 người con trai của bà có gia đình riêng, vẫn ở chung nhà với cha mẹ. Đông người nhiều ý, nhưng chưa bao giờ trong nhà bất hòa.

Bà Thành chia sẻ, “Bản thân tôi không được đi học, tôi phải học từ trường đời. Học được gì tốt đẹp, tôi sẽ dùng để giáo dục con của mình. Tôi thường nói với các con: Cha mẹ không có học, chỉ biết cực khổ làm ăn mong nuôi nấng các con, cho các con được học hành tử tế. Vì vậy, các con sống phải có đạo đức. Chỉ khi sống có đạo đức mới có thể tồn tại. Tuyệt đối không được lừa gạt, khinh rẻ ai”.

Không chỉ là những lời nói suông, bà nhận định, suốt gần một đời của bà, để con cái 'nên người', bản thân bà phải làm một tấm gương tốt. 'Nếu cha mẹ không chịu khó làm lụng, chỉ biết ăn chơi đua đòi thì con cái sẽ dễ sa ngã, mà một khi đã lầm đường thì khó quay lại lắm'. Vì vậy, từ ngày xây nhà trọ, bà luôn cố gắng hết mình để giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần cho khách mướn phòng. Việc làm đó, vừa là xuất phát từ lòng từ bi của mình, vừa muốn con cái học được tinh thần cảm thông và giúp đỡ mọi người.

Bà còn tiết lộ, 20 năm trước, vợ chồng bà bán đất được một số tiền lớn. Nhưng cả 6 người con không ai đòi hỏi một đồng. Năm 2002, bà xây nhà trọ cho thuê. Đến nay, bao nhiêu vốn liếng, gia đình bà đều đưa vào việc mở rộng phòng trọ để giúp đỡ hàng trăm công nhân xa quê.

'Tôi thấy đời sống người dân xa quê lên đây mưu sinh được ổn định, có chỗ ăn nghỉ, được sống trong môi trường an toàn, vậy là tôi vui. Sau khoảng thời gian sống cùng nhau, gắn bó, giúp đỡ, biết được người ta mến mình. Vì đề nghị của họ, tôi đã mở rộng dần khu trọ từ hơn 10 phòng lúc ban đầu đến 110 phòng như hiện tại', cụ bà gần 70 tuổi cho hay. Gia đình bà Thành cũng đi tiên phong trong việc thành lập Khu lưu trú văn hóa, nhằm nâng cao đời sống của dân cư ở trọ. Hiện nay, toàn thành phố có gần 50 khu.

Khách thuê trọ của gia đình bà Thành ở khắp mọi miền, từ Thái Bình, Nghệ An, Đắk Lắk xuống Tiền Giang, Đồng Tháp, Cà Mau… Phần lớn họ làm công nhân trong các công ty trên địa bàn xã Thới Tam Thôn. Một số người chạy xe ôm công nghệ, hoặc một vài mẹ bận con nhỏ thì ở nhà. Họ đều có đặc điểm là chịu khó, hiền lành, thật thà. Đồng cảm với hoàn cảnh của những người ở trọ, bà Thành luôn giúp đỡ và tạo cơ hội cho họ như việc giảm một nửa tiền phòng trong 2 tháng, giảm bớt tiền điện trong 3 tháng cho khách ở trọ trong đợt cao điểm dịch Covid 19 vừa qua.

Không những thế, bà Thành còn kết hợp với Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM tặng những phần quà như gạo, rau củ, trứng, thịt cho dân cư khó khăn trong Khu lưu trú số 1.

Cùng với sự chung tay của Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM, gia đình bà Thành tự mua thêm quà mới đủ cho khoảng 50 em nhỏ. Còn mỗi đợt cuối năm, bà lại họp tất niên và phát quà Tết cho xóm trọ. Họ cùng tổng kết xem một năm qua, Khu lưu trú văn hóa số 1 của bà đã làm được những gì. Những dịp Trung thu hay Tết Thiếu nhi, trẻ em trong khu lại được bà phát quà.

Mỗi năm, trong khu lưu trú của bà lại có thêm vài cặp vợ chồng trẻ tham gia chương trình Lễ cưới tập thể của thành phố. Họ là những người trẻ xa quê, không có điều kiện tổ chức tại địa phương

Dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, nhưng bà Thành vẫn thường tự mình chống gậy sang thăm khu trọ. Bà luôn chia sẻ và gắn kết người dân trong khu trọ. Cũng nhờ có sự đùm bọc và quan tâm của bà, những người sống trong khu lưu trú đều cảm thấy an tâm và ấm áp. Họ vốn là những người phải rời xa quê hương vì cuộc sống mưu sinh, nay như gặp được mái ấm thứ hai của mình./.

Tổng hợp từ Vietnamnet