Ông Vương Văn Thanh ở số nhà 30A, tổ 8, khu Chiến Thắng, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội từng là lái xe cứu thương, trực tiếp tham gia vào Đoàn 44, đội Xung kích của Bộ Giao thông Vận tải. Năm 1990, ông phải xin nghỉ hưu sớm vì lí do sức khỏe. Ông mua xe khách chạy tuyến Xuân Mai - Hà Đông. Mấy chục năm làm nghề, đi khắp đó đây, ông đã từng chứng kiến quá nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc mà cả thị trấn không có lấy một cái xe cấp cứu. Vì vậy, năm 1994, ông đã quyết định đăng kí chuyển hẳn sang hoạt động cứu thương, phối hợp với các bệnh viện và lực lượng công an địa phương cùng cứu người bị nạn. Ông sắm 2 chiếc xe cứu thương, một chiếc dùng chở nạn nhân tử vong, một dùng chở người bị tai nạn tới các bệnh viện. Có người sau khi được cứu họ quay lại cảm ơn, biếu chút quà, có người lặng lẽ quay đi không bao giờ trở lại nữa. “Tôi tiến hành sơ cấp cứu rồi chở họ đến bệnh viện, nhiều trường hợp tôi không biết họ là ai, làm nghề gì, và có khi cũng không có cơ hội được gặp lại họ lần thứ hai trong đời. Hầu hết những người được tôi cứu sống, phần lớn là người hoàn cảnh khó khăn nên dù họ có trả công, tôi cũng không lấy. Tôi cũng đã luống tuổi rồi, làm được gì thì làm”. Ông Thanh kể

Cả nghìn ngày làm nghề, chẳng có đêm nào ông được ngủ yên, luôn là những chuyến đi bất ngờ. Đến bây giờ ông cũng không nhớ nổi mình đã chở bao nhiêu người đi cấp cứu, ông chỉ biết nhận được cuộc gọi thông báo tai nạn hoặc người ốm đau, bệnh tật cần đi viện là ông… lên đường ngay. Thậm chí cả công an địa phương, khi phát hiện tai nạn, việc đầu tiên là họ sẽ gọi cho ông. “Nhà tôi lúc nào cũng có người túc trực 24/24, sẵn sàng chạy xe khi có người cần giúp đỡ. Tôi nghĩ, trong lúc khó khăn, họ cần đến mình, nên tôi không dám đi đâu, dù chỉ là một chuyến du lịch đầm ấm cùng gia đình”, ông Thanh tâm sự.

Quá nửa cuộc đời làm nghề, những cảnh tượng hãi hùng nhất ông từng trải qua. Đó là những lần ông chở những nạn nhân bị HIV/AIDS, bị nghiện ma túy đá không làm chủ hành vi của mình. Ông kể, có lần chở một nạn nhân “chết lâm sàng” trong một vụ ẩu đả. Trên đường đến bệnh viện, đột nhiên ông nghe thấy tiếng: “Dừng xe lại, không tao cắt cổ mày bây giờ”, ông giật mình quay lại thì một lưỡi dao sắc lẹm đang kề cạnh cổ. Lúc ấy ông vừa cho xe đi chậm lại vừa nói: “Tôi thấy anh bị thương, tôi đưa anh đến bệnh viện cứu chữa, mắc mớ chi mà anh đòi giết tôi”. Sau đó hắn nhảy xuống xe, tay vẫn lăm lăm con dao, đi mất hút vào trong các khu dân cư đông đúc.

Nếu kể về cuộc đời làm nghề chuyên chở bệnh nhân thì còn nhiều lắm những chuyện đời ngang trái, thậm chí khiến ông day dứt, tủi hờn bởi có những người nghi ngờ lòng tốt của ông, họ gọi ông là “ông điên”. Mở chiếc ví cho chúng tôi xem cơ man toàn là những giấy tờ tùy thân của các nạn nhân được ông cứu giúp trong suốt mấy chục năm qua. Có người sau khi bình phục quay lại cảm ơn, xin lại giấy tờ; có người nay đã mồ yên mả đẹp, nhưng giấy tờ của họ đều được ông Thanh cất giữ cẩn thận, coi đó như kỉ niệm.

Đã không ít lần ông phải “ăn gió, nằm sương” để canh thi thể nạn nhân. Đến khi không thấy gia đình nạn nhân đến nhận, ông đã cùng với lãnh đạo địa phương tìm nơi an nghỉ cho nạn nhân. “Người ta đi qua đi lại cứ bảo, ông bỏ tử thi đấy sao phải khổ vậy, việc của nhà ông đâu mà ông lo làm chi cho mệt. Nhưng tôi nghĩ, mình đã giúp ai thì giúp đến cùng”.

Vừa nhìn chiếc xe cứu thương, ông bảo: “Bây giờ tôi cũng đã có tuổi, sau này không biết lấy ai là người kế nghiệp”. Chợt, từ trong nhà một cô gái gương mặt sáng sủa, nhanh nhẹn, hoạt bát, giọng nói đầy khí khái: “Con sẽ là người kế nghiệp ông”. Đó là em Vương Xuân Mai, con gái nuôi, được ông nhặt về trong một lần đi cấp cứu người bị nạn. Hằng ngày, ngoài việc đi học, Mai vẫn cùng ông Thanh cứu người. Mai bảo, hồi đầu em sợ lắm, nhưng sau khi nghe ông nói về ý nghĩa của công việc nên em tự nguyện tham gia cùng.

Trước khi chúng tôi rời đi, ông níu tay tôi bộc bạch: “Tôi trăn trở lắm, hiện nay hàng ngày, hàng giờ đều có các vụ tai nạn giao thông xảy ra, mà không phải ai cũng được cứu giúp kịp thời. Giá mà, bây giờ, trên tuyến đường nào cũng có các trạm xe cứu thương hoặc xe cứu thương lưu động, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố thì tốt biết mấy. Tôi ước thế không biết có quá không?”

Nguồn: Minh Phúc đăng trên web Ngaymoionline.com