Bí quyết sống khỏe

Ông Kính hiện sống tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Ông cho biết duy trì thói quen thức dậy vào lúc 4 giờ sáng để đạp xe hơn 13 năm nay. Trung bình ông đạp khoảng 40 km mỗi ngày. Xem chiếc xe đạp gắn bó với mình trong hành trình rong ruổi khắp nơi những năm qua như "người bạn thân", ông tự sửa xe khi hư hỏng rồi lắp ráp thêm đèn để đảm bảo an toàn và hộp đựng loa để mở nhạc giải trí khi dừng chân.

Không chỉ đạp xe, ông Kính còn dành thời gian chơi cầu lông, chạy bộ… Ai hỏi ông về bí quyết sống khỏe, ông tự tin nói: "Nếu không tập thể thao sẽ không có tôi của bây giờ". Ông tâm sự người lớn tuổi chắc chắn sẽ có những trở ngại, khó khăn trong quá trình vận động nhưng "với tinh thần của một người lính, tôi sẽ cố gắng chinh phục nhiều cung đường hơn nữa đến khi không còn khả năng".

Ông Vũ Văn Nhâm (62 tuổi, quận Tân Bình), là một thành viên trong hội đạp xe, cho biết đã quen ông Kính được gần 7 năm, thấy bạn mình dù cao tuổi nhưng tinh thần thể thao luôn… cao độ. "Ngày nào ông cũng đạp xe từ sáng sớm. Với anh em chúng tôi, đạp xe là niềm vui lớn khi về già, cũng là cơ hội để giao lưu, kết thêm bạn mới", ông Nhâm bộc bạch.

"Nhiều anh chị em lớn tuổi vẫn duy trì thói quen đạp xe để nâng cao sức khỏe, nên tôi lấy đó mà phấn đấu. Tôi mong mình sẽ là tấm gương và truyền năng lượng yêu thể thao, vận động vì sức khỏe cho con cháu", ông Kính nói. Ông cho biết đạp xe là món "gây nghiện" nên hội của ông có thể lên đường bất cứ ngày nào, kể cả lễ tết, chỉ nghỉ khi có việc đột xuất hoặc thời tiết xấu.

"Nếu mọi người dành vài năm theo đuổi một môn thể thao thì có thể xuất phát từ sở thích, duy trì được chục năm là đam mê, còn vài chục năm thì thành thói quen, không thể thiếu", ông chia sẻ.

"Người cứu hộ" trên xa lộ

Chúng tôi gặp ông Kính trên cầu Bình Lợi (TP.Thủ Đức) lúc ông đang thay săm mới cho xe của bà Phạm Thị Ngọc Hà (59 tuổi, quận Tân Bình), bạn đạp xe chung với ông Kính cũng 7 năm nay. Sáng hôm đó, xe đạp của bà Hà bị hỏng đột xuất nên nhờ ông Kính đến "cứu hộ".

Xe đạp của ông Kính được gắn thêm hộp đồ nghề sau yên xe. Nhiều năm qua, ông được các thành viên trong nhóm gọi là "người hùng" khi thường xuyên bơm xe, vá miễn phí cho người đi đường. Ở tuổi 75, ông vẫn rất nhanh nhẹn, chỉ mất chừng 10 phút để sửa xe cho bà Hà. Ông kể, nếu gặp phải những trường hợp xe hư hỏng nặng, ông sẽ gọi điện cho thợ sửa đến ứng cứu hoặc đạp xe đi tìm người giúp.

"Anh Kính là người mà chúng tôi rất nể trọng. Anh đã sửa xe giúp tôi vài lần, nếu không có anh tôi cũng không biết phải xoay xở thế nào", bà Hà nói.

Hơn mười năm gắn bó với bộ môn đạp xe, ông Kính tự hào vì mình "nằm lòng" các con đường ở TP.HCM. Ông chia sẻ thêm nếu hôm nào rảnh rỗi, không phải đưa cháu nội đi học, ông đạp xe xuống Biên Hòa (Đồng Nai) uống cà phê, ăn sáng với bạn cũ. Trong tương lai, ông Kính mong muốn "dụ dỗ" bà xã của mình gia nhập hội để cả hai có thể đồng hành, chia sẻ niềm vui với nhau trên nhiều cung đường.

Nguồn: thanhnien.vn