Không có ranh giới giữa nhà và trung tâm

Bà Hằng năm nay 74 tuổi, mới hôm nào vợ chồng bà được các con đưa đi tham quan các trung tâm dưỡng lão ở Hà Nội và nhiều tỉnh trong cả nước, chọn mãi thì dừng chân tại ngôi nhà chung Bách Niên Thiên Đức, ấy thế mà đã 6 năm. Ở lâu thành quen, trong tâm trí bà Hằng không còn ranh giới đâu là nhà, đâu là trung tâm nữa. Bà kể: ”Trước tôi làm bên Điện lực, được đi đây đi đó nhiều, tôi thấy ở nước ngoài họ sống đơn giản. Hết tuổi lao động thì dành thời gian đi du lịch, vào trung tâm dưỡng lão sống, thỉnh thoảng các con các cháu đến thăm. Đây là nơi các cụ có thể gặp nhau, thoải mái chia sẻ buồn vui trong cuộc sống lại không lệ thuộc vào con cái”.

Bà Hằng có 2 con trai, cả 2 con của bà đều lấy vợ là người Nhật và định cư tại Nhật. Khi ông bà về hưu, sống với nhau tại Nghĩa Đô, mỗi khi trái gió trở trời, một người đau ốm thì người kia bấn loạn. Vậy là bà bàn với các con cho ông bà vào trung tâm dưỡng lão để có người chăm sóc. Mùa hè nào ông bà cũng sang Nhật thăm con cháu, mùa đông thì trở về trung tâm. Mới đây ông mất, lại vướng dịch Covid nên bà Hằng không đi đâu được. Sợ mẹ buồn, ngày nào các con, các cháu cũng thay nhau gọi điện trò chuyện hỏi thăm bà. Nhờ có internet mà dù ở Việt Nam hay ở Nhật bà cũng không thấy xa xôi.

Vào trung tâm lại thành nhà thơ

Ông Lê Văn Ban 91 tuổi ở Diễn Thọ, Diễn Châu, Nghệ An mới vào Trung tâm được mấy tháng. Từ lúc vào đây tự nhiên ông phấn khởi, làm rất nhiều thơ. Ông bảo, làm thơ để duy trì trí nhớ.

Ông Ban có 5 con, 3 trai, 2 gái. Ba người con trai của ông sống ở quê, 1 con gái của ông sống ở Đức mới mất và một người con gái khác sống ở Hà Nội, không xa trung tâm dưỡng lão của ông. Mặc dù 91 tuổi nhưng ông Ban vẫn tự đi lại, tự làm các việc cá nhân, ngoại trừ tắm. ở tuổi của ông, việc chăm sóc thường xuyên, kể cả chăm sóc về y tế là cần thiết, vì vậy các con quyết định gửi ông vào trung tâm dưỡng lão.

Khi đến đây, ông đã thích môi trường sống mới. Ông có 1 phòng riêng, có vệ sinh và nhà tắm riêng khép kín. Đến giờ có người mang cơm nước đến, thích ăn gì ông báo trước cho các cô điều dưỡng. Việc xoa bóp, bấm huyệt được làm thường xuyên, không phải nhờ các con đưa đi xoa bóp bấm huyệt như ở nhà. Ông nhớ tên từng cháu phục vụ, cháu nào cũng được ông tặng thơ.

Vào ngày Tết, Trung tâm sắm sửa đào, quất ở hội trường, ngoài sân, trong mỗi phòng đều có đào hoặc quất, hoặc hoa lay ơn tùy theo nhu cầu của các cụ. Trung tâm tổ chức gói bánh chưng, thi gói bánh giữa các cụ bởi nhiều cụ còn khỏe chân khỏe tay lắm. Những năm gần đây, sinh viên nhiều trường đại học cũng đến tham gia gói bánh chưng cùng các cụ làm cho không khí ngày Tết càng vui.

Điểm hẹn người cao tuổi những ngày đầu Xuân

Bà Hằng được đón nhiều cái Tết ở đây cho biết, Tết ở nhà có khi buồn chứ vào đây thì gần Tết đã vui, trong Tết cũng vui lắm vì các cháu sinh viên đến giao lưu, thăm hỏi, các bạn đồng hương rồi khách khứa đến chúc mừng. Hoa đào, cây quất được trang trí các nơi, bánh chưng, giò chả, dưa hành có đủ, con cái ở xa vẫn gọi điện về chúc bố mẹ nên bà không có thời gian để buồn. Ông Ban thì háo hức đón Tết đầu tiên ở đây, ông để sẵn giấy, bút để làm thơ đầu xuân. Khi được hỏi, Tết ông có nhớ bà ở nhà không? Ông bảo : “Tôi và bà nhà đã hẹn nhau cứ 7h tối là bà chủ động gọi điện cho tôi để nói chuyện. Bà nhà tôi mới 85 tuổi thôi nhưng cũng yếu nên con cái phải chăm sóc. Tết này tôi ở đây thì bà ấy yên tâm, các con các cháu điện thoại, thăm hỏi luôn nên tôi vui lắm”.

Ở phòng chăm sóc đặc biệt, nhiều cụ bệnh nặng phải nằm một chỗ, lúc nào cũng có các cô y tá, điều dưỡng túc trực và thêm một vài người nhà tới thăm. Căn phòng có 8 giường, được trang bị đầy đủ máy móc. Đầu hồi là một phòng thờ để đầu tháng, hôm rằm các cụ ra ngồi thắp hương, tụng kinh. Một không gian nhiều cây cối, chim chóc kéo nhau về làm tổ. Trong cái ồn ào của cuộc sống đô thị hiếm có nơi nào cuộc sống lắng đọng và thanh bình như nơi này. Ngoài kia sắc hồng của đào, sắc vàng của mai, quất, sắc xanh của bánh chưng đã nhuộm màu, lan tỏa làm cho nơi này trở nên sinh động, vui tươi, trở thành điểm hẹn hạnh phúc của các cụ khi về già.

(Theo khoahocdoisong.vn)