Theo Báo cáo Tổng quan phát triển kỹ thuật số Việt Nam 2021, nước ta có 76,95 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm đến 97,8% dân số từ 13 tuổi trở lên, trong đó phần lớn người dùng ở độ tuổi 18-34 nhưng chỉ khoảng 12% người cao tuổi nước ta sở hữu điện thoại thông minh và khoảng 6% trong số đó sử dụng máy tính cá nhân.

Tỷ lệ tiếp cận thấp của người cao tuổi chưa phải là trở ngại duy nhất trong việc xóa bỏ khoảng cách giữa họ và công nghệ thông tin. Một trở ngại lớn hơn cả là khả năng tiếp thu và mong muốn chủ động tìm hiểu về công nghệ của người cao tuổi so với tốc độ thay đổi không ngừng của công nghệ ngày nay.

Trong một nghiên cứu mới đây, chỉ có khoảng 20% người cao tuổi cảm thấy tự tin và thoải mái trong việc tìm hiểu và sử dụng các ứng dụng trực tuyến, số còn lại nói rằng họ gặp khó khăn trong việc chấp nhận và thích ứng với công nghệ mới.

Bà Nguyễn Thị Lãi, 74 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ, thời gian đầu được con gái mua cho điện thoại thông minh, bà không hề dùng mà vẫn thường xuyên nghe, gọi bằng điện thoại bàn phím dành cho người cao tuổi. Với bà, điện thoại thông minh vừa khó dùng, phải tốn nhiều thời gian để học, vừa không có nhiều tác dụng bằng điện thoại bàn phím. Bà còn cho biết, vì những tin tức người cao tuổi bị lừa đảo bằng điện thoại ngày một xuất hiện nhiều nên càng cảm thấy sử dụng điện thoại thông minh là thiếu an toàn và không cần thiết bằng điện thoại bàn phím.

Tuy vậy, sự thiếu chủ động trong việc tiếp cận công nghệ mới này dễ dẫn đến nguy cơ người già càng bị bỏ lại xa hơn trong việc bắt kịp các nền tảng, ứng dụng công nghệ số, dễ dẫn đến việc mất đi cơ hội được kết nối với gia đình, cộng đồng trên các nền tảng, ứng dụng trên.

Thêm vào đó, trở ngại còn đến từ sự thờ ơ với phân khúc người dùng lớn tuổi của các nhà sản xuất ứng dụng và sản phẩm công nghệ thông tin. Các sản phẩm công nghệ thông tin nói chung đa phần đều được thiết kế dành cho người dùng trẻ với giao diện phần mềm phức tạp, phông chữ nhỏ, khó đọc, cùng với đó là các thiết bị cảm ứng khó sử dụng, không phù hợp với thể chất người cao tuổi. Sự thiếu thân thiện với người cao tuổi này dẫn tới việc họ càng trở nên e ngại và xa lánh các sản phẩm công nghệ hơn, hoặc cần nhiều sự hỗ trợ từ gia đình để làm quen với các thiết bị di động.

Để vượt qua những trở ngại này, sự đồng hành, giúp đỡ của gia đình và người thân, nhất là những người đã sử dụng công nghệ, là cần thiết trong việc xóa bỏ khoảng cách giữa người cao tuổi và công nghệ thông tin, giúp họ vượt qua những khó khăn ban đầu và tự tin hơn trong việc tận dụng được các lợi ích của công nghệ số trong cuộc sống hàng ngày.

Khám phá các thiết bị thông minh thân thiện với người cao tuổi

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ), máy tính bảng và thiết bị đọc sách điện tử là thiết bị được sử dụng nhiều hơn điện thoại thông minh trong nhóm người lớn tuổi chuộng công nghệ, bởi chúng có giao diện và thiết kế đơn giản, rõ ràng hơn, kích thước lớn và dễ nhìn, dễ sử dụng hơn các dòng điện thoại thông minh nhưng vẫn có đủ các chức năng, ứng dụng hữu ích. Vì vậy, việc bắt đầu tiếp cận công nghệ bằng các thiết thông minh có giao diện thân thiện với người cao tuổi sẽ giúp họ dần tự tin hơn và dễ dàng vượt qua các trở ngại tâm lý ban đầu để tiếp thu các kiến thức mới.

Động viên bằng những lợi ích của công nghệ

Việc gia đình và người thân động viên người cao tuổi sử dụng công nghệ bằng những lợi ích của chúng cũng sẽ giúp họ có thêm động lực để tìm hiểu và học hỏi thêm.

Con gái của bà Nguyễn Thị Lãi- chị Lê Thu Nga, 42 tuổi ở quận Đống Đa, Hà Nội - đã thành công trong việc động viên mẹ của mình sử dụng điện thoại thông minh nhờ ứng dụng ngân hàng trực tuyến. Chị cho biết, trước đây, mẹ chị thường phải nhờ các con gửi tiền tiết kiệm hộ, hoặc xem hộ số tiền tiết kiệm hiện đang có. Tuy vậy, từ khi biết được ứng dụng ngân hàng trực tuyến có thể trực tiếp thực hiện những thao tác ngay trên điện thoại, mẹ chị đã chủ động sử dụng và học cách dùng điện thoại thông minh hơn hẳn. “Mẹ tôi thấy đặc biệt thích thú với các ứng dụng mua hàng trực tuyến sau khi được cháu của mình hướng dẫn cách sử dụng các mã khuyến mại, miễn phí giao hàng …”-Chị Nga kể.

Lê Thanh Hiền Mai, 20 tuổi ở quận Đống Đa, Hà Nội cũng thành công trong việc giúp bà của mình sử dụng ứng dụng mạng xã hội Zalo. Hiền Mai kể, từ ngày biết cách dùng Zalo, bà rất thích thú khi được thoải mái gọi điện qua video với họ hàng ở quê, cũng như thường xuyên đọc tin tức và chia sẻ chúng với người thân, bạn bè.

Kiên nhẫn, sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu trong quá trình hướng dẫn sử dụng công nghệ thông tin

Để quá trình hướng dẫn người cao tuổi tiếp cận công nghệ thông tin trở nên dễ dàng hơn, gia đình và người thân nên sử dụng ngôn ngữ một cách đơn giản và dễ hiểu, tránh sử dụng các thuật ngữ kỹ thuật phức tạp. Quan trọng nhất, sự kiên nhẫn, lặp đi lặp lại là yếu tố cần có trong việc đồng hành cùng người cao tuổi vượt qua nỗi tự ti trước công nghệ số.

Chị Lê Thu Nga cho biết, thời gian đầu, chỉ riêng việc thuyết phục mẹ sử dụng điện thoại thông minh đã là một trở ngại lớn với chị và gia đình, vì bà luôn nghi ngờ về sự an toàn của công nghệ, cũng như cảm thấy không cần thiết khi sử dụng chúng. Nhưng trải qua quá trình kiên nhẫn thuyết phục và chỉ dẫn từng bước của con gái cùng các cháu, mẹ chị đã dần làm quen và hứng thú với điện thoại thông minh hơn, thậm chí còn chủ động ghi chép lại các cách sử dụng điện thoại thông minh vào sổ tay để cụ dễ nhớ cách sử dụng.

Có thể thấy, dù vẫn còn nhiều trở ngại trong việc xóa bỏ khoảng cách giữa người cao tuổi và công nghệ thông tin, sự kiên nhẫn hỗ trợ, động viên từ cộng đồng xung quanh sẽ giúp họ có động lực học hỏi và tận hưởng lợi ích của công nghệ thông tin trong cuộc sống hàng ngày.