Ngày nắng cũng như mưa, trên con đường quen thuộc ven hồ Tây, chiều nào cũng có một người đàn ông với mái tóc bạc trắng thư thái đạp xe. Hôm ông đạp xe một mình, hôm lại đi cùng vài người bạn già. Họ cùng nhau đi hết một vòng đường ven hồ. Ông là Tạ Long, tiến sĩ nhân học của Viện Dân tộc học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Dù đã không còn công tác nữa nhưng ông vẫn luôn bận rộn với công việc nghiên cứu, với những bài tham luận, những đóng góp trong các cuộc hội thảo... nhưng đi xe đạp vẫn là thú vui, là môn thể thao mà ông luôn dành thời gian để rèn luyện sức khỏe.

Trước đây, khi còn công tác do công việc bận rộn nên ông hầu như không giao lưu với những người bạn già. Tuy nhiên, áp lực công việc khiến ông căng thẳng, mệt mỏi và rồi ông phát hiện ra, khi giao lưu với mọi người, mở rộng mối quan hệ mỗi khi đi tập thể thao đã giúp ông giải tỏa căng thẳng, gần như không phải đối mặt với áp lực nữa mà lại còn thoải mái hơn.

Cũng như ông Long, bà Ngô Thị Chính vợ ông trước đây cũng sống khá khép kín. Bà Chính chia sẻ, hồi mới về nghỉ, không công tác nữa bà cũng không đi tập thể dục và giao lưu nhiều. Khi ấy, mẹ bà còn sống vẫn luôn vận động bà cùng đi tập thể dục và tham gia câu lạc bộ cao tuổi nhưng không được. Sau một thời gian, việc không vận động cộng với tuổi càng ngày càng cao đã khiến sức khỏe của bà suy giảm, đi lại khá khó khăn. Khi ấy, bà bắt đầu đi ra hồ tập thể dục với mọi người. Lúc đầu là những buổi đi cách nhật sau rồi ngày nào bà cũng đi. Bà Chính cho biết, từ khi tập thể dục, sức khỏe của bà được cải thiện và cuộc sống cũng vui hơn vì được giao lưu trao đổi với mọi người. Không chỉ là những chia sẻ vui buồn trong cuộc sống mà còn là kinh nghiệm bếp núc, những công thức nấu ăn ngon, những mẹo vặt trong cuộc sống….

Những gia đình chỉ có hai vợ chồng già sống cùng nhau như ông Long bà Chính không phải là hiếm trong xã hội ngày nay. Khi con cái đã trưởng thành, người thì lập gia đình, người thì đi học ở nước ngoài nên việc chỉ có vợ chồng già sống với nhau khá phổ biến ở các đô thị lớn. Điều đó cho thấy, xã hội đang dần thay đổi và quan niệm của họ cũng không còn bó hẹp nữa. Họ đã chấp nhận xu thế mới dù thực tế trong lòng không muốn như chia sẻ của bà Nguyễn Minh Hoài ở đường Bưởi, phường Cống Vị, quận Ba Đình. Theo bà Hoài, con cái có cuộc sống của riêng mình nên mình không thể bắt các con theo cách của mình được. Bây giờ là lúc những người già cần thích nghi với lối sống hiện đại.

Không tập thể dục thể thao nhưng bà Hoài vẫn tham gia cùng các đoàn thể, tổ chức để làm các công việc thiện nguyện. Ngoài những lúc hoạt động cùng mọi người, bà Hoài còn dành thời gian rảnh rỗi để cùng các con chăm sóc dạy dỗ các cháu dù không sống cùng một mái nhà. Những dịp lễ hay những đợt nghỉ dài ngày, vợ chồng bà lại cùng con cháu đi du lịch để tăng sự gắn kết.

Người già luôn mong muốn được sống cùng con cháu nhưng xã hội hiện đại đang dần thay đổi nên cuộc sống và quan niệm của những người cao tuổi cũng thay đổi để thích nghi với xu thế mới, để tạo cho mình một sự an yên và vui vẻ lúc về già.