Mong muốn giữ gìn và trao truyền các điệu múa cồng chiêng cho lớp trẻ, thế nên, dù tuổi đã cao, nhưng nghệ nhân Hồ Văn Dinh, ở xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam vẫn luôn sẵn sàng tham gia các lễ hội trong vùng. Không chỉ vậy, già Dinh còn tâm huyết với nghề đan lát của cha ông với niềm tin “hồn cốt của núi rừng, văn hóa truyền thống của người Ca Dong cũng từ đây mà có”.

Say mê văn hóa truyền thống

Già Hồ Văn Dinh đã bước qua tuổi 80, nhưng vẫn minh mẫn, giọng nói hào sảng. Già Dinh vừa gõ gõ lên những chiếc chiêng, vừa kể câu chuyện về mình. Từ khi còn nhỏ, cậu bé Hồ Văn Dinh đã được cha mẹ dẫn theo mỗi khi có lễ hội. Trong những dịp ấy, bản làng không thể thiếu các điệu múa cồng chiêng. Tiếng nhạc cồng chiêng cùng điệu múa đã lôi cuốn cậu bé Dinh. Ngay cả những nhịp chân sáo của cậu trên những đường mòn lên rẫy hay về nhà cũng được họa theo nhịp cồng chiêng.

Có những điệu múa chưa rõ, cậu bé Dinh lại hỏi cha rồi tập một mình cho đến khi thuần thục. Những năm tháng tham gia lực lượng du kích, chàng thanh niên Hồ Văn Dinh vẫn thường nhảy múa để giải tỏa sự mỏi mệt, cũng là để đem sự sảng khoái cho mọi người.

Già Dinh bảo: “Với tôi, được múa cồng chiêng là niềm vui và hạnh phúc”. Sau này, với kĩ năng múa, đánh chiêng điêu luyện nên lễ hội, cuộc thi nào, già Hồ Văn Dinh cũng đều tham gia. Có những cuộc thi, cả 3 thế hệ trong gia đình già Dinh đều cùng họa theo nhịp chiêng. Mỗi dịp như vậy, già Dinh lại răn dạy cháu con không được lãng quên văn hóa truyền thống, vì nếu quên thì chẳng khác nào đánh mất đi nguồn cội của mình.

Không chỉ nổi tiếng là người múa cồng chiêng giỏi, già Dinh còn được nhiều người biết đến vì kĩ năng đan các dụng cụ trong sinh hoạt của người Ca Dong. Thực ra, ngay từ lúc nhỏ, cậu bé Hồ Văn Dinh đã được cha dạy đan, nên 15 tuổi, cậu đã trở thành tay thợ đan lành nghề. Vốn khéo tay, lại ham học hỏi, nên các sản phẩm của Hồ Văn Dinh làm ra ai cũng khen đẹp.

Cuộc sống hiện đại với nhiều vật dụng tiện ích được mang đến tận bản làng, nhưng suốt những năm qua, già Dinh vẫn giữ thói quen tự đan các vật dụng trong nhà từ tre, nứa, mây, lồ ô... Phần vì mỗi khi dùng các vật dụng quen thuộc, già Dinh thấy mình gần gũi với truyền thống cha ông, phần khác, già muốn nhắc nhở cháu con gìn giữ văn hóa riêng biệt của nguồn cội, của đồng bào mình.

Theo già Dinh, để đan được những vật dụng như gùi, rổ, rá, nia, mâm... bền chắc thì phải lên rừng chọn những thân tre nứa vừa phải, không quá già và cũng không quá non. Với cây mây thì phải cắt vào mùa đông, vì đó là thời điểm mây có độ bền và dẻo nhất năm.

Già Dinh bảo, với mỗi vật dụng và loại tre nứa hay mây sẽ có một kỹ thuật đan khác nhau, như việc đan gùi đòi hỏi sự khéo léo trong từng đường nan, họa tiết, hoa văn. Trong số các vật dụng, khó nhất là đan chiếc gùi dành cho cánh nam giới vào rừng. Gùi được đan hoàn toàn bằng mây, với nhiều ngăn có chức năng khác nhau. Nếu biết chọn đúng loại mây và đan đúng kĩ thuật, chiếc gùi này sẽ bền chắc, kéo dài gần cả đời người.

Niềm vui của nghệ nhân núi rừng

Khi biết tin huyện Bắc Trà My có Đề án bảo tồn văn hóa cồng chiêng trong trường học, già Dinh mừng lắm. Thực tế, cuộc sống hiện đại khiến văn hóa truyền thống của đồng bào Ca Dong ngày càng bị mai một. Lớp trẻ trong cuộc xê dịch với thời cuộc, xa dần với văn hóa truyền thống để theo đuổi nghệ thuật hiện đại.

Từ khi Đề án bảo tồn văn hóa cồng chiêng trong trường học ở Trà My được triển khai, nhiều người đã tìm đến để học hỏi, vì thế, nỗi trăn trở của già Dinh như được trút xuống. Ông Lê Cường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Trà Bui cho biết, cùng với việc thành lập Câu lạc bộ cồng chiêng trong trường học, xã sẽ lên kế hoạch thành lập thêm 3 đội cồng chiêng và mời các già làng, nghệ nhân như ông Hồ Văn Dinh truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Biết được điều này, già Dinh rất vui, bởi: “Già rất mong các thế hệ học sinh rèn luyện để thạo các điệu múa của cha ông. Nhìn các cháu trong Câu lạc bộ cồng chiêng ở trường học say mê học hỏi, già ưng cái bụng lắm. Cứ như thế này, thế hệ đi trước như già không còn nỗi lo thất truyền văn hóa truyền thống”.

Ngày trước, mỗi bản làng người Ca Dong đều có vài tay thợ đan lát. Sản phẩm làm ra chủ yếu để dùng, trao đổi qua lại giữa các gia đình. Nguyên liệu ở trên rừng, chỉ cần bỏ công là đã có đồ dùng. Cuộc sống phát triển, các vật dụng được sản xuất bằng nhựa, từ miền xuôi đưa lên miền núi rất tiện lợi. Thế là, số người biết đan đồ dùng ngày càng ít đi.

Theo già Dinh, để hoàn thành một chiếc gùi đi rừng của đàn ông Ca Dong phải mất đến 3 tháng ròng rã, lại phải lên rừng kiếm nguyên vật liệu rất vất vả. Vừa mất nhiều thời gian, mà giá trị thấp so với nhiều mặt hàng hiện đại, tuy nhiên, già Dinh vẫn giữ nghề và từng ngày dạy con cháu hay bất cứ ai muốn học.

Già Dinh hy vọng, mai này, lớp cháu con không quên nghề của đồng bào mình. Mấy năm trở lại đây, việc sử dụng các vật dụng làm từ cây rừng được khuyến khích và được gọi là “sống thân thiện với môi trường”. Trong lúc còn nhiều nỗi buồn nghề truyền thống bị mai một, thì việc được “khen” như thế này cũng khiến già Dinh vui hơn.

Ở tuổi xưa nay hiếm, đôi mắt của già Dinh vẫn tinh anh, làn da màu đồng hun rắn rỏi. Bất cứ khi nào có người hỏi đến, già Dinh cũng có thể say sưa nói về văn hóa truyền thống của đồng bào Ca Dong mình. Già tâm huyết nói rằng: “Nhớ về văn hóa truyền thống là nhớ về cội nguồn của đồng bào mình”.

Nguồn: bienphong.com.vn