Khi chưa về Đài Tiếng Nói Việt Nam, tôi đã ấn tượng với giọng kể chuyện và bình thơ các cụ thính giả của biên tập viên Thanh Tùng trên chương trình phát thanh "Câu lạc bộ của những người cao tuổi". Giọng dẫn dắt của anh như đang tâm tình, chuyện trò với mấy ông bạn già, có thể dốc cả bầu rượu, túi thơ…khiến người nghe thấy Đài thân gần như người bạn tri kỷ. Thư và thơ người cao tuổi ở khắp mọi miền đất nước gửi đến chương trình đều được anh trích đọc những đoạn hay, và anh vừa bình vừa ngâm nga những câu thơ “đắt” nhất mà tác giả đã gửi gắm hồn mình trong đó. Với cách làm ấy, chương trình phát thanh "Câu lạc bộ của những người cao tuổi" ra đời đầu năm 1990 đã nhanh chóng cuốn hút thính giả, trở thành “hiện tượng” xã hội ở thập niên 90 của thế kỷ trước.

Khi chính thức được trúng tuyển vào Đài, tôi không ngờ được phân công về làm chương trình này. Thực ra lúc đầu tôi lo lắng lắm vì nghĩ rằng phải có kiến thức uyên thâm thì mới “hầu chuyện” các cụ được. Nhưng khi ra mắt Phòng, nghe anh Thanh Tùng phân tích “Em chỉ cần đọc bài của các cụ gửi về chương trình cũng học được vô khối kiến thức…” tôi thấy yên tâm hơn.

Chương trình lúc đó có tính tương tác cao, thư thính giả gửi về Đài mỗi ngày vài chục bức. Anh Thanh Tùng phân công tôi làm mục "Điểm thư". Biết tôi ngâm thơ hay, là học trò của NSUT Vũ Kim Dung, anh bảo: Em hãy mạnh dạn chọn bài thơ hay ngâm cho mục "Kể chuyện danh nhân". Lần đầu tiên tôi ngâm hầu các cụ là bài thơ "Cáo tật thị chúng" ("Có bệnh bảo mọi người" của Mãn Giác Thiền sư, một danh nhân thế kỷ thứ 13): "Xuân qua trăm hoa rụng/Xuân tới trăm hoa cười/Trước mắt việc đi mãi/Trên đầu già đến rồi/Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/Đêm qua sân trước một nhành mai".

Ngay lập tức, chương trình nhận được nhiều thư các cụ gửi về khen ngợi cô biên tập viên trẻ mới tinh mà dám "hầu chuyện" các cụ. Anh lại tiếp tục động viên tôi thi thoảng ngâm các bài thơ của thính giả gửi đến đã được chọn cho mục "Điểm thơ". Anh em trong phòng chúng tôi bảo ban nhau làm việc khá ăn ý, ai cũng được thính giả gửi thư và tặng thơ khen ngợi. Tôi mới vào nghề làm báo, thích khám phá nên bảo anh: "Em chỉ thích được đi công tác xa để viết cái gì mới anh ạ!" Thế là anh phân công tôi đi Thái Bình viết về công tác chính sách với người cao tuổi ở đia phương. Tôi bị say xe suốt. Sẩm tối về tới 43 phố Bà Triệu, anh Thanh Tùng đứng khoanh tay nhìn ra cửa ngóng vì đã nghe tin con bé say lắm. Xuống xe, tôi chạy vội vào phòng nằm vật ra ba chiếc ghế kê dọc tường. Anh Tùng vào nhìn tôi cười và bĩu môi: "Thế mà cứ đòi cho em đi công tác xa!" Tuy vậy, anh chờ tôi hồi sức rồi bảo lên chiếc xe Vespa (hồi đó anh phong độ thuộc hàng nhất nhì cơ quan), chở tôi về nhà...

Thế rồi, ngày tháng rèn luyện, tôi cũng trưởng thành, quen cả việc đi tàu, xe lẫn viết bài không còn bị chê hay bắt lỗi như ban đầu. Ba năm sau tôi đã được giải C Giải báo chí toàn quốc viết về người cao tuổi. Các cụ thính giả biết tin đã viết thư tới chương trình chúc mừng. Anh Tùng bảo tôi: “Em đã thấy vinh dự khi làm chương trình này chưa! Anh em mình đều được thính giả theo dõi từng chi tiết trên làn sóng và từng bước đi trong cuộc đời…”

Thế rồi, anh tiếp tục phân công cho tôi nhiều việc khó, lúc thì kèm cặp như đứa em, lúc lại trò chuyện thơ phú như bạn hữu. Anh có niềm đam mê chơi cây cảnh. Có những lần hai anh em cùng đạp xe đi công tác Hưng Yên, về vùng chuyên trồng cây cảnh Văn Giang. Tôi nghe anh say sưa phân tích về thế cây, kiểu dáng, cách chăm bón cùng các cụ Hội sinh vật cảnh Hưng Yên mà chẳng nhớ là bao, chỉ nhớ nhất câu “vua chơi Lan, quan chơi Trà”, thế là cũng “học đòi” rước mấy cành Lan về chơi. Quan trọng là khi viết bài về “Văn Giang - làng hoa, cây cảnh”, tôi đã được sếp khen là đã bắt được “thần” của miền đất châu thổ sông Hồng. Cũng có lần anh hướng dẫn tôi làm "phóng sự hiện trường" tại lễ hội làng Đa Sĩ, Hà Đông như cách các nhà báo quốc tế đã làm. Sau này, phát thanh hiện đại phát triển, đổi mới rất nhiều, tôi vẫn không quên người dạy tôi cách nói tại hiện trường chính là nhà báo Thanh Tùng

Thực ra, trước khi nổi danh ở chương trình "Câu lạc bộ của những người cao tuổi", anh Thanh Tùng đã là một nhà báo gạo cội ở Phòng Công Nghiệp với nhiều loạt bài, câu chuyện truyền thanh “đụng chạm” những vấn đề nóng của xã hội. Nhưng có lẽ khi làm người “hầu chuyện” các cụ thì những tinh hoa của con người Thanh Tùng mới thực sự tỏa sáng. Dường như chất văn từ người cha (nhà văn Hoài An) đã được chuyển hóa và thăng hoa trong con người anh khi làm báo nói. Anh không đi theo hướng viết tùy bút, bút ký như cha mình mà say sưa với làn sóng phát thanh bằng cách thử nghiệm mới: bình-dẫn-ngâm thơ trên sóng. Lối nói chuyện và diễn xuất bình dị, không nghệ thuật cao siêu nhưng chia sẻ mọi điều với thính giả như bạn hữu. Chính điều đó đã làm nên thành công.

Sau những phút bận rộn lên sóng, anh lại ôm đàn ghi ta hát Nhạc Xưa. Anh còn sáng tác khá nhiều bài hát, trong đó có một nhạc phẩm mà Ban Văn hóa - Xã hội của chúng tôi đã đem ra “thi thố” trong Liên hoan văn nghệ quần chúng của Đài.

Chúng tôi vẫn hay gọi đó là bài “Đài Ca” : “Em có nhớ những mùa thu xưa/Trời Tuyên Quang Chiêm Hóa xa mờ/Như giấc mơ, như huyền thoại/Cánh chim bằng tung trời muôn nơi/Đài Tiếng Nói Việt Nam/Qua bao gian nan, vượt muôn trùng sóng/Người làm báo chúng ta/Được Bác Hồ chắp cho đôi cánh/Ta mang hơi ấm của Người/Truyền đi muôn nơi..."

Tôi không nhớ lần toàn Ban biểu diễn ấy được giải Ba hay Khuyến Khích, nhưng nhớ nhất là giọng lĩnh xướng của anh Nguyễn Huy Dung, Trưởng Ban lúc đó rất phiêu. Còn tôi, có lần đi công tác cùng nhà báo Hạnh Hoa ở Bắc Cạn để tiền trạm cho một cuộc tọa đàm giữa Đài phối hợp với tỉnh, trong tiệc liên hoan, bên phía tỉnh trổ tài đủ các điệu Then, Lượn, hai chị em chúng tôi hùng dũng đứng lên hát “Đài Ca” của nhà báo Thanh Tùng, chỉ đổi câu “Trời Tuyên Quang Chiêm Hóa xa mờ” (vì Đài một thời sơ tán ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang) thành “Trời quê hương Việt Bắc xa mờ” cho hợp khung cảnh. Mọi người được phen “lác mắt”!

Cách ứng biến mau lẹ tôi cũng học ở anh Thanh Tùng rất nhiều và biết ơn sự hồn hậu, chân thành mà anh dành cho cô bé được xem như khờ dại, thậm chí nhiều khi ngốc trước bàn dân thiên hạ khi mới tập tễnh vào nghề. Phòng chúng tôi được đón nhận Huân chương lao động hạng Ba của Nhà nước sau 5 năm chương trình lên sóng. Anh Thanh Tùng sau này được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ. Song tôi nhớ đến anh nhiều hơn là ở dáng vẻ phiêu lãng khi ôm đàn bập bùng hát và cách nâng niu tỉa hoa cắt lá để có những cành địa lan đẹp đem lên tặng chị em chúng tôi nhân những ngày tôn vinh phụ nữ.

Giờ anh đã đi gặp tiền nhân, trong đó có cả cha, mẹ và nhiều bạn hữu, anh em như nhà thơ Trần Ngọc Thụ, nhà báo Hồ Khánh Quý, nhà thơ Nguyễn Huy Dung…, những gương mặt nhân văn đã góp phần rất lớn làm nên thương hiệu Đài Tiếng Nói Việt Nam - một thời hào hùng. Hãy nhẹ cánh tiên anh nhé để tiếp tục ngâm ngợi, hát ca với những bằng hữu thân thiết và trân quý chẳng khác nào tình ruột thịt…