Sau thời gian dài làm việc cống hiến cho gia đình, xã hội, phần lớn mọi người đều sẽ nghỉ ngơi sau tuổi 60. Khi chất lượng cuộc sống và dịch vụ y học ngày càng nâng cao, tuổi thọ cũng theo đó mà kéo dài. Không ít người có thể sống tới 90 tuổi, 100 tuổi. Vậy, quãng thời gian mấy chục năm tuổi già, các cụ sẽ làm gì để đời sống thể chất và tinh thần vui vẻ, khỏe mạnh?

Mỗi người cao tuổi sẽ có những “phương pháp riêng” để có cuộc sống tuổi giả “vui, khỏe, có ích”. Bên cạnh chơi thể thao, tham gia văn nghệ hay tập dưỡng sinh, trò chuyện trở thành một nhu cầu không thể thiếu của người già, giúp các cụ giải tỏa những ưu phiền thường nhật trong cuộc sống hiện tại.

“Người già thời buổi này rất cô đơn, rất muốn có người trò chuyện. Nhưng con cháu thì rất bận. Thực ra câu chuyện không phải áp đặt các con phải thế này thế kia, mà thực ra chỉ là muốn giải tỏa tâm lý thiếu thốn tình cảm” - Bác Lê Bình ở Thanh Xuân, Hà Nội tâm sự.

Tuổi già cô đơn, lạc lõng giữa con cháu, gia đình và xã hội có lẽ là tâm lý chung của không ít người cao tuổi.

Bác Nguyễn Tuấn Ngọc ở Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội về hưu hơn 10 năm nay. Ngần ấy thời gian nghỉ hưu với bác là quãng thời gian thui thủi một mình. Vợ bác không may mất sớm. Bác sinh được ba người con thì hai người định cư ở nước ngoài, một người sống trong TPHCM. Con cháu cũng thỉnh thoảng về thăm, nhưng số lần cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, bác Ngọc phải tự tìm kiếm nguồn vui cho mình từ bạn bè, hàng xóm và những người xung quanh.

“Người già các hoạt động khác đề hạn chế hơn tuổi trẻ nhiều. Thành ra chuyện trò là nhu cầu cần thiết để tâm hồn nhẹ nhõm hơn, thấy đời vui hơn. Người nào nói chuyện nhiều thì tâm hồn người đó rộng mở hơn” - bác Ngọc cho biết.

Bác Ngọc cho rằng, nếu không trò chuyện thì cuộc sống hàng ngày trôi qua ngoài khung cửa sổ thật đơn điệu. Bác Ngọc thường tìm đến các hội bạn cũ, hội đồng hương hay các tổ chức xã hội mà người già thường tham gia như Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh...

Người già thì nhiều chuyện để nói lắm. Câu chuyện đôi khi chẳng cần đầu cuối, chỉ cần được nói ra, được trút hết bầu tâm sự đã khiến các cụ cảm thấy thoải mái, thư giãn.

Bác Ngọc kể “Tôi thường ngày đi ra ngoài 12 tiếng, ở nhà một vài tiếng ngủ thôi. Còn ra ngoài giao lưu, ngồi với các cụ nói chuyện tâm đầu ý hợp, nói những câu chuyện nghĩ gần giống nhau và hiểu gần giống nhau nên nó chuyện vui hơn, thời gian dài hơn”.

Bác Ngọc khoe thời trẻ đi bộ đội đã được bạn bè, đồng đội khen là nói chuyện có “duyên” và “hài hước”, khiến người đối diện luôn cảm thấy vui vẻ. Cũng theo bác Ngọc, trong gia đình, việc trò chuyện, giao tiếp với con cháu là điều vô cùng quan trọng, là sợi dây gắn kết giúp mọi người gần gũi nhau hơn.

“Người nào là ông, là bố...hay nói chuyện với con cháu thì cũng sẽ tăng cảm giác gần gũi, dễ tâm sự. Còn người nào không hay nói chuyện, lại áp đặt sẽ tạo khoảng cách với con cháu” – bác Ngọc khẳng định.

Bác Lương Ngọc Quang ở Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội cũng coi “trò chuyện” là một liệu pháp tinh thần hữu hiệu. Ở nhà bác Quang, con cái đi làm hết, các cháu đi học từ sáng sớm tới tối muộn mới về. Nếu chỉ ở nhà quanh quẩn thì rất buồn chán nên bác Quang thường ra công viên để gặp gỡ, giao lưu với các bạn già. May mắn bác Quang tìm được nhiều người bạn tâm giao.

Bác Quang chia sẻ “Tôi giao lưu với mọi người cho đầu óc sảng khoái, quên hết mọi thứ. Hơn nữa không để thời gian chết. Giao tiếp là cách để giải trí, thư giãn”.

Người cao tuổi là tài sản quý của xã hội vì trong quá trình sống và làm việc, họ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm phong phú. Khi đi qua con dốc bên kia cuộc đời, họ không chỉ trao lại những trải nghiệm sống đáng quý cho con cháu, mà còn mang những tri thức ấy chia sẻ, học hỏi lẫn nhau. Sự trao đổi, tranh luận về một chủ đề nào đó giúp bác Lê Văn Trí ở Cầu Giấy, Hà Nội được rèn luyện trí não, ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ Alzheimer.

“Thường chủ nhật, cháu nội, cháu ngoại hay đến chơi. Tôi thường kể cho cháu nghe chuyện về cuộc đời, về thời gian đi bộ đội...Các cháu thì kể tôi nghe việc học hành ở trường, chuyện bạn bè...Ông cháu lúc nào cũng rất vui vẻ” – bác Trí vui vẻ khoe.

Người già mỗi người một tính, nhưng điểm chung là đều có tình yêu thương vô bờ dành cho con cháu. Họ luôn muốn quan tâm, lo lắng cho các con, các cháu, ngược lại cũng muốn được con cháu chăm sóc, hỏi han.

Bác Lê Bình ở Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ “Bản thân tôi thấy người già nói ra được thì cũng đỡ bức xúc những cái trong cuộc sống”.

Chúng ta dễ dàng bắt gặp những cụ già ngồi nói chuyện, tâm sự với nhau như những người bạn tâm giao. Với họ, niềm vui thật giản đơn. Đôi khi chỉ cần có người lắng nghe, để họ được nói hết, chia sẻ hết những tâm sự, nỗi lòng... Đó cũng là cách để người cao tuổi tận hưởng tuổi già trọn vẹn và ý nghĩa hơn./.