Chiều nay (15/12), Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 với 477 điểm cầu trong cả nước. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Tổng cục Thuế có Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Thứ trưởng Bộ Tài chính (phụ trách Tổng cục Thuế) Cao Anh Tuấn, đại diện lãnh đạo một số bộ ngành trung ương, Văn phòng Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các Vụ, cục chức năng của Tổng cục Thuế.

Năm 2022, ngành Thuế triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác thuế trong bối cảnh kinh tế, thương mại trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, lạm phát tăng mạnh, sự thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Với việc triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu Ngân sách Nhà nước (NSNN), hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn của đại dịch, hồi phục sản xuất kinh doanh đã góp phần tăng thu cho NSNN, đảm bảo nguồn lực Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2022. Nhiệm vụ công tác thuế năm 2022 đã được ngành Thuế hoàn thành toàn diện.

Báo cáo tại Hội nghị, Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, dự toán thu NSNN năm 2022 của ngành Thuế được giao là 1.174.900 tỷ đồng, trong đó: thu từ dầu thô là 28.200 tỷ đồng; thu nội địa là 1.146.700 tỷ đồng, thu nội địa không kể tiền sử dụng đất, cổ tức và lợi nhuận còn lại, xổ số kiến thiết là 915.000 tỷ đồng.

Kết quả thu ngân sách năm 2022 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 1.460.100 tỷ đồng, bằng 124,3% dự toán (vượt 285.200 tỷ), tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 1.387.200 tỷ đồng, bằng 121% dự toán (vượt 240.500 tỷ), tăng 6,6% so cùng kỳ. Trong đó: Thu thuế phí nội địa ước đạt 1.064.657 tỷ đồng, bằng 116,4% dự toán, tăng 5,3% so cùng kỳ.

Có 63/64 Cục Thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2022 được giao. Có 17/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán.

Trong năm 2022, toàn ngành đã gửi thư điện tử cung cấp thông tin cho NNT với hơn 4,9 triệu lượt thư; thực hiện hỗ trợ giải đáp được hơn 788.000 lượt thông qua Zalo, fanpage của cơ quan Thuế; Tiếp nhận và trả lời 5.798 câu hỏi (đạt tỷ lệ 84%); tổ chức 600 buổi đối thoại trực tiếp với hơn 166.000 người tham gia, ngoài ra đã có 16 buổi đối thoại theo phương thức điện tử trên Cổng thông tin điện tử của các Cục Thuế với hơn 1.500 câu hỏi đã được giải đáp.

Năm 2022 cũng là năm đánh dấu việc ngành thuế đẩy mạnh điện tử hóa, số hóa công tác quản lý thuế, trọng tâm là hóa đơn điện tử; thúc đẩy cung cấp dịch vụ thuế điện tử. Đến ngày 01/7/2022, 100% số lượng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh đang sử dụng hóa đơn đã chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử. Tính đến thời điểm này, đã có trên 2,1 tỷ hóa đơn điện tử được phát hành.

Ngành thuế cũng đã hoàn thành xây dựng chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; xây dựng, triển khai chương trình hành động, kế hoạch 5 năm thực hiện Chiến lược. Đề án quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử cũng đã được triển khai.

Lũy kế từ 2018 đến nay, cơ quan thuế đã thu được khoảng 1.151 tỷ đồng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động kinh doanh TMĐT, cung cấp dịch vụ số với số thu tăng dần và ngày càng nhanh các năm, đặc biệt từ năm 2021 với 261 tỷ đồng, năm 2022 lên hơn 600 tỷ đồng. Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) được vận hành từ 21/3/2022. Đến nay, đã có 42 NCCNN đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng từ nhiều quốc gia như Hoa kỳ; Hà Lan; Hàn Quốc; Singapore; Hong Kong; Ireland; Lithuania; Thụy Sĩ, Úc… với tổng số thuế đã nộp hơn 3.444 tỷ đồng.

Trong quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, cơ quan thuế các cấp cũng triển khai đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật để người dân hiểu và tự giác chấp hành; đồng thời chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thực hiện xử lý, giải quyết hồ sơ đúng quy định theo nguyên tắc "Tiền phòng, hậu kiểm”....; Tăng cường, đẩy mạnh phối hợp, kết nối, trao đổi thông tin với các bộ, ban, ngành (Bộ xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trưởng, Bộ Tư pháp, Sở tư pháp địa phương,...) để thu thập cơ sở dữ liệu đất đai, thông tin sử dụng đất, trên cơ sở đó bước đầu xây dựng CSDL, phục vụ công tác quản lý thuế. Kết quả thu thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản năm 2022 đến thời điểm báo cáo đạt hơn 31.000 tỷ đồng, tăng 97% so với cùng kỳ năm 2021 (hơn 15.0000 tỷ đồng); ước cả năm 2022 đạt hơn 41.000 tỷ, tăng khoảng 97% so với năm 2021 (hơn 20.000 tỷ đồng).

Năm 2022, ngành thuế đã tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, tiền thuê đất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, các Nghị quyết, Nghị định, Thông tư của Quốc Hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã góp phần tích cực, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Ước thực hiện cả năm 2022, tổng số tiền thuế thuộc diện gia hạn, miễn, giảm khoảng 174,7 nghìn tỷ, trong đó: số tiền thuế của NNT thuộc diện được gia hạn ước khoảng 106 nghìn tỷ; Số thuế, phí, lệ phí miễn giảm ước tính khoảng 68,7 nghìn tỷ.

Đặc biệt, để tiếp tục đẩy mạnh triển khai HĐĐT và chủ động tiếp nhận thông tin từ các sàn TMĐT theo quy định Nghị định số 91 của Chính phủ, ngay tại hội nghị tổng kết, Tổng cục Thuế đã chính thức Công bố và kích hoạt Cổng dữ liệu thông tin TMĐT và triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Theo đó, Cổng dữ liệu thông tin TMĐT đáp ứng các yêu cầu về tiếp nhận bản kê khai dữ liệu của sàn giao dịch TMĐT trong trường hợp sàn TMĐT thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh thông qua sàn TMĐT. Cổng dữ liệu thông tin TMĐT cũng tiếp nhận thông tin tổng hợp của tổ chức, cá nhân kinh doanh qua sàn TMĐT trong trường hợp sàn TMĐT chưa thực hiện khai thuế thay cho cá nhân.

Đối với hệ thống hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền sẽ giúp người kinh doanh thực hiện xuất hóa đơn điện tử, nộp thuế đơn giản hơn, đồng thời tránh trường hợp kê khai gian dối hoặc không tự giác kê khai, qua đó tiếp tục nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý thuế.