Theo số liệu thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện có hơn 70% dân số dùng internet, trong đó có 55% người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến, 72 triệu người dùng mạng xã hội, tạo ra một khối dữ liệu khổng lồ trên môi trường trực tuyến. Với sự bùng nổ của sàn thương mại điện tử, dịch vụ kinh doanh trực tuyến trên facebook, zalo… giúp cho việc mua sắm của người dân trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn. Thế nhưng bên cạnh đó cũng không ít câu chuyện “dở khóc, dở cười” về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến.

Chị Nguyễn Quỳnh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội mới đây đã mua cái váy trên sàn giao dịch điện tử. Xem qua mạng, chị rất ưng màu sắc, mẫu mã nên chị đã quyết định đặt chiếc áo với giá 500.000 đồng. Thế nhưng khi hàng giao đến nhà, xem hàng thì chị thất vọng hoàn toàn, không giống như chiếc áo chị đã chọn mua trên mạng nên gọi lại nơi bán để đổi. Bất ngờ hơn, số máy của chị đã bị người bán chặn, không cho giao dịch.

Vừa tháng trước, anh Thành ở Hà Nội cũng đặt mua chiếc khoan gỗ trên trang cá nhân facebook, rõ ràng hàng quảng cáo là hàng xịn, giá hấp dẫn, nhưng khi nhận hàng và dùng thử thì không thể dùng được, chạy tí thì pin hết, máy yếu.

Theo số liệu từ cơ quan chức năng, ước tính số lượng người mua sắm trực tuyến năm 2022 đạt 57-60 triệu người, với giá trị khoảng 6,1 - 6,6 triệu đồng/người. Bên cạnh hàng có chất lượng thì có cả hàng hóa kém chất lượng.Theo công bố của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, người tiêu dùng cũng gặp nhiều trở ngại khi mua sắm trực tuyến, như: Chất lượng kém so với quảng cáo (42%), vận chuyển và giao nhận kém (25%), dịch vụ chăm sóc khách hàng kém (22%), … Ông Vũ Văn Trung – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Mỗi tháng, Hội các cấp đã nhận được 50-60 phản ánh, khiếu nại của khách hàng liên quan đến mua phải hàng kém chất lượng trên không gian mạng. Để xảy ra tình trạng này, ông Trung cho rằng: do pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ, thiếu đồng bộ và chưa theo kịp với tình hình thực tiễn với sự phát triển của thương mại điện tử như hiện nay. Cùng với đó, những thủ tục khiếu nại, khởi kiện đơn vị bán hàng kém chất lượng còn rườm rà nên hầu hết người tiêu dùng đều âm thầm chịu đựng mà không lên tiếng.

Với mục tiêu đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng 600 USD tức khoảng 13 triệu đồng/người/năm, gấp đôi năm nay, doanh số thương mại điện tử có thể đạt 35 tỉ USD. Ông Vũ Văn Trung cho rằng, nếu chúng ta không có biện pháp để thanh lọc những đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo thì con số đã đề ra khó cán đích.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, khi bàn đến dự thảo luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu người tiêu dùng, trong đó vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng cũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu Trần Thị Hồng An – đoàn Quảng Ngãi cho rằng: Hiện rất nhiều người kinh doanh qua mạng không có giấy phép kinh doanh, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, hình thức bán hàng trên đã tạo sự bất bình đẳng với bán hàng truyền thống, dễ dẫn đến nguy cơ bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Chính vì vậy, luật cần phải có những quy định cụ thể.

Không ít ý kiến cho rằng, phần lớn những người tiêu dùng bị thiệt hại khi giao dịch thương mại trên không gian mạng là những người yếu thế, với những đối tượng này thì hậu quả để lại có thể nghiêm trọng hơn những đối tượng khác. Chính vì vậy, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu – Đoàn Hà Tĩnh kiến nghị: Cần phải có quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của mỗi bên khi thực hiện giao dịch trên không gian mạng:

Đại biểu Leo Thị Lịch – đoàn Bắc Giang nhìn nhận: Dự thảo luật đưa ra chương riêng quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch điện tử là rất phù hợp với thực tế hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần có những quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc các cấp trong việc tham gia bảo vệ người tiêu dùng cả trong mua sắm trực tiếp và trực tuyến.

Người tiêu dùng hiện nay không chỉ mua hàng của những trang mạng có tài khoản ở trong nước mà còn mua của những trang ở nước ngoài, tức là mua sắm xuyên biên giới, đa quốc gia. Chính vì vậy, Dự thảo luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng cần có quy định chặt chẽ, cụ thể để bảo vệ người tiêu dùng.

Xu hướng hiện nay là ngày càng gia tăng thị phần của thương mại điện tử. Chúng ta đang đặt mục tiêu đạt 20% từ kinh tế số trong GDP, trong đó phần lớn là thương mại điện tử. Nếu không có chính sách cụ thể để xử lý các gian lận, hành vi trục lợi, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng thì sẽ là thiếu sót và gây hệ lụy rất lớn cho xã hội.

Mời quý vị và các bạn cùng nghe trao đổi của phóng viên VOV2 với ông Vũ Văn Trung Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tại đây: