Ông Hoàng Ngọc Khánh ở xã Quảng Long, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết gia đình ông phá dỡ công trình phụ, thuê người làm. Tuy nhiên trong khi thực hiện, không may người này bị xà rơi vào đầu, gãy cổ.

Về vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, PGĐ Cty Luật TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể và rõ ràng nên có hai quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất, cho rằng quan hệ giữa thính giả và người được thuê phá dỡ công trình là Hợp đồng dịch vụ, thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự. Và quan điểm thứ hai, cho rằng đây là quan hệ lao động, thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật lao động năm 2019 và Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015.

Nếu theo quan điểm thứ nhất, xác định đây là Hợp đồng dịch vụ thì việc bồi thường thiệt hại sẽ được thực hiện theo thỏa thuận của các bên trong trong Hợp đồng (nếu có). Nếu trong Hợp đồng không có thỏa thuận thì bên nào có lỗi trong việc gây ra thiệt hại sẽ phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Còn theo quan điểm thứ hai, xác định đây là quan hệ lao động, trong đó ông Khánh là người sử dụng lao động và người được thuê phá dỡ công trình là người lao động. Trong trường hợp này, việc người được thuê phá dỡ công trình “bị xà rơi vào đầu, gẫy cổ” là đã xảy ra vụ việc tai nạn lao động, do đó ông Khánh với tư cách là người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động theo quy định tại Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015.

Tuy nhiên, luật sư Hùng cũng nhấn mạnh, dù theo quan điểm nào thì trước hết, việc bồi thường thiệt hại sẽ được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên. Nếu các bên không thỏa thuận và thống nhất được mức và phương thức bồi thường thì có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án, để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo quy định của pháp luật.

Mời quý vị nghe chi tiết tư vấn về trường hợp của ông Hoàng Ngọc Khánh tại đây: