Tình trạng bạo lực trẻ em thời gian gần đây đang diễn ra ngày càng nhiều, không chỉ do chính bố mẹ, những người thân cận thực hiện hành vi bạo lực mà còn được “tiếp tay” bởi sự vô cảm của những người xung quanh.
Nhiều người vẫn mang quan niệm việc dạy con là “chuyện nhà người ta”, xen vào là “mất lịch sự”, một số thì cho rằng “rỗi hơi” mới lo chuyện “bao đồng”. Hoặc ở đô thị, hàng xóm không biết nhau, không quan tâm đến những chuyện không liên quan đến mình, hoặc có thể nghe thấy tiếng quát mắng, tiếng trẻ khóc vì bị đòn roi…nhưng thực sự không để tâm.
Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho biết: Dưới góc độ pháp lý, hành vi dùng vũ lực, đánh đập hành hạ trẻ em, phụ thuộc vào tình tiết, hành vi cụ thể, căn cứ theo kết luận điều tra thì có thể bị xử lý hành chính hoặc xem xét khởi tố về tội Cố ý gây thương tích hoặc Tội giết người.
Trường hợp phạm tội Giết người thì cần phải làm rõ hành vi của người có hành vi bạo lực bao gồm: hung khí, diễn biến các lần đánh đập, mức độ thường xuyên đánh đập, vị trí tác động lên thân thể, khả năng gây tử vong. Trường hợp có căn cứ cho rằng hành vi có thể dẫn đến chết người mà người đánh trẻ em nhận thức rõ được điều đó nhưng vẫn cố tình làm và không quan tâm đến hậu quả. Với trường hợp này thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người quy định tại Khoản 1 điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất tù chung thân hoặc tử hình với các tình tiết định khung có thể là: Giết người dưới 16 tuổi, có tính chất côn đồ, vì động cơ đê hèn…
Trường hợp tội Cố ý gây thương tích thì có các hành vi không được dùng hung khí nguy hiểm, không đánh vào vị trí không gây nguy hiểm như vùng vai, tay, chân và đối tượng không nhận thức được hậu quả, việc nạn nhân tử vong phải nằm ngoài ý muốn chủ quan của người gây thương tích. Với trường hợp này, đối tượng phạm tội có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác tại Khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt cao nhất là 14 năm tù với tình tiết định khung là “làm chết người”.
Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2021 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em,có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022 có nói rõ: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;
- Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;
- Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;
- Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.
Mời quý vị và các bạn nghe trao đổi của phóng viên chương trình với luật sư Nguyễn Hữu Toại - Công ty Luật TNHH Hừng Đông tại đây: