Ngày 10/01, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội tiếp tục làm việc với phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa tiền tệ (dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp bất thường thứ Nhất) có dành 60.000 tỷ để mua sắm các gói trang thiết bị y tế.

Tuy nhiên, quy định của Luật Đấu thầu hiện nay còn nhiều bất cập. Quốc hội cũng dự kiến sửa đổi toàn bộ quy định của Luật đấu thầu trong thời gian tới.

Do vậy, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề xuất cần có quy định riêng về đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế. Bởi việc mua sắm trang thiết bị y tế có đặc thù riêng mà những quy định chung của Luật Đấu thầu hiện hành là chưa phù hợp.

“Có quy định đặc thù riêng trong việc mua sắm trang thiết bị y tế sẽ góp phần thúc đẩy việc mua sắm trang thiết bị y tế và khắc phục những khó khăn hiện nay”, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh nhấn mạnh.

Liên quan đến việc sửa đổi, sung một số điều của Luật Đấu thầu, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cũng kiến nghị trong Luật Đấu thầu nên có chương dành riêng cho lĩnh vực y tế với những quy định cụ thể để việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men, sinh phẩm được rõ ràng trong tình hình dịch bệnh.

“Vì Luật sửa đổi, bổ sung 8 luật nên không thể quy định cụ thể, chi tiết từng điều, khoản trong từng Luật nên đề nghị sau khi Quốc hội thông qua cần giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, lấy đây làm cơ sở để rà soát tổng thể các luật chuyên ngành. Nếu cần thiết có kế hoạch để sửa đổi căn bản và đồng bộ cho phù hợp”, bà Trần Khánh Thu nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, bà Thu cũng đề nghị cần phải bổ sung các quy định về hậu kiểm để đánh giá, giám sát. Bởi theo bà, Luật Đấu thầu hiện nay chưa có quy định đầy đủ về quy trình kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm.

“Hiện nay Luật đấu thầu mới chỉ tập trung quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhà thầu, nhà đầu tư. Chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm đối với bên mời thầu, chủ đầu tư và người có thẩm quyền”, bà Trần Khánh Thu phân tích.

Trong khi đó, theo ông Phạm Hùng Thắng (ĐBQH tỉnh Hà Nam), thời gian qua, việc triển khai đấu thầu qua mạng đã góp phần đảm bảo tính minh bạch, khách quan trong lựa chọn nhà thầu.

Tuy nhiên, có trường hợp lợi dụng để cản trở, làm chậm quá trình đấu thầu, một số hành vi gian lận chưa có chế tài xử phạt, chưa đủ tính răn đe. Nhà thầu vi phạm mới chỉ bị cấm thầu trong phạm vi quản lý của người ra quyết định cấm, chưa liên kết toàn quốc.

“Tôi đề nghị bổ sung quy định rõ việc đưa danh sách các nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để có chế tài đủ mạnh như quy định số lần vi phạm ở các địa phương sẽ bị cấm toàn quốc hoặc trừ điểm khi đánh giá”, ông Phạm Hùng Thăng kiến nghị.

Nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, thúc đẩy giải ngân, đưa dự án hoàn thành đúng thời hạn, đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ, xây lắp trong các dự án ODA, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài…, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 34 và bổ sung Điều 34a (Luật Đấu thầu) để quy định các hoạt động thực hiện trước đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo hướng: việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Về vấn đề này, bà Trần Khánh Thu (ĐBQH Thái Bình) đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này, bởi nếu thực hiện các hoạt động lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi vậy nếu xảy ra trường hợp ký kết không thành công thì sẽ gây lãng phí và thiệt hại.