Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Còn bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.

Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định là người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Điều 2 của Luật BHXH và người lao động tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, h khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH, bao gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

- Cán bộ, công chức, viên chức;

- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

- Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp sẽ được hưởng những chế độ như sau:

- Giám định mức suy giảm khả năng lao động;

- Trợ cấp một lần/hằng tháng;

- Phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình;

- Trợ cấp phục vụ;

- Chế độ tử tuất đối với trường hợp người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật

- Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc; Hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 46 Luật An toàn, vệ sinh lao động thì người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp trong thời gian quy định thì được giám định để xem xét, giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lưu ý: Theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 5 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP thì người lao động trong trường hợp này được hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp khi phát hiện bệnh nghề nghiệp trong khoảng thời gian bảo đảm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Trong danh mục 35 bệnh nghề nghiệp được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, mỗi bệnh cụ thể có thời gian bảo đảm khác nhau, nên muốn xác định cụ thể phải đối chiếu với bệnh nghề nghiệp tương ứng của người lao động để biết thời bảo đảm cụ thể.

Mời quý vị và các bạn nghe ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tư vấn cho những thắc mắc cụ thể liên quan tới chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại đây: