Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, trong quý I/2024, toàn quốc xảy ra 51 vụ chống đối lực lượng cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ, làm 21 cán bộ, chiến sĩ bị thương. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã trực tiếp và phối hợp các lực lượng khác bắt giữ 55 đối tượng bàn giao cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Các vụ vi phạm tập trung chủ yếu trên đường bộ, xảy ra nhiều tại các đô thị, thành phố lớn như: Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Nghệ An, Bình Định. Đơn cử như vụ việc xảy ra vào khoảng 12 giờ 30 phút ngày 1/4/2024, trên địa bàn xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Khi bị Tổ Công tác Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự, Công an huyện Thanh Trì dừng xe ô tô để kiểm tra nồng độ cồn, đối tượng Nguyễn Việt Cường (thường trú xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã tăng ga lao thẳng vào tổ công tác làm một chiến sỹ bị hất văng lên nắp ca pô xe ô tô. Sau khi di chuyển khoảng 200 mét, cán bộ chiến sỹ này ngã rơi xuống đường, bị thương khuỷu tay trái, đầu gối phải, chấn thương phần mềm.

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội phân tích: "Chống người thi hành công vụ là hành vi cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của mình bằng thủ đoạn dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc là hành vi cưỡng ép người đó thực hiện hành vi trái pháp luật. Theo Điều 3 giải thích từ ngữ trên tinh thần nội dung của Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ có định nghĩa: “Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao”. Như vậy có thể hiểu một hành vi bị xem là chống người thi hành công vụ, trước hết hành vi đó phải có dùng vũ lực (như đánh, trói…), đe dọa dùng vũ lực (dọa đánh) hoặc hành vi đó phải dùng thủ đoạn khác (như lăng mạ, bôi nhọ hoặc vu khống…), cưỡng ép người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật."

Pháp luật Việt Nam hiện nay đã quy định các chế tài xử lý người có hành vi chống người thi hành công vụ. Theo đó, tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi mà các đối tượng sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Điều 21 Nghị định 144/2021 hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự.

Cụ thể, theo Điều 21 Nghị định 144/2021, người có hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 8 triệu đồng tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi. Ngoài ra, người phạm tội còn bị buộc xin lỗi công khai đối với người thi hành công vụ.

Điều 330 Bộ luật Hình sự quy định khung hình phạt đối với người có hành vi chống người thi hành công vụ là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng. Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.

"Mức độ thiệt hại về sức khỏe là một yếu tố quan trọng trong việc xác định mức độ nghiêm trọng của tội phạm. Nếu hành vi gây thiệt hại về sức khỏe được coi là nghiêm trọng và cố ý, người phạm tội có thể phải đối mặt với các hình phạt nặng hơn, bao gồm án tù kéo dài. Mức độ của hình phạt cụ thể sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như mức độ thiệt hại, tính chất của hành vi và quy định của luật pháp. Ngoài ra, trong một số trường hợp, nếu hành vi gây ra tổn thất sức khỏe nghiêm trọng hoặc gây ra cái chết của người thi hành công vụ, người phạm tội có thể phải đối mặt với các hình phạt nặng nhất có thể dưới hình thức án tù lâu dài hoặc thậm chí là án tử hình, ví dụ như Tội giết người quy định tại Điều 123, Tội cố ý gây thương tích quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự…. Khi đó, các đối tượng sẽ bị xem xét áp dụng tình tiết định khung “phạm tội đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”. - Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết thêm.

Tuy nhiên, mức xử phạt với hành vi chống người thi hành công vụ hiện nay được đánh giá là vẫn chưa đủ sức răn đe/ Các hành vi chống đối của các đối tượng ngày một biến tướng rất nguy hiểm, không chỉ dừng lại ở việc xúc phạm bằng lời nói, các đối tượng còn hoạt động theo dạng băng nhóm, cố tình sử dụng hung khí nguy hiểm, thực hiện hành vi có thể dẫn đến chết người như tông xe trực diện vào cảnh sát. Bởi vậy, theo luật sư Trần Xuân Tiền, cần phải xử lý nghiêm hơn nữa nhằm mục đích răn đe, phòng ngừa chung đối với hành vi chống người thi hành công vụ.

Mời các bạn cùng nghe toàn bộ nội dung trao đổi của phóng viên với luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội: