Kê khai 2 giá trong giao dịch bất động sản để né thuế đã khiến cho ngân sách nhà nước thất thu đồng thời cũng tạo ra sự thiếu công bằng trong các giao dịch mua bán nhà đất. Vừa qua Bộ Tài chính đã có văn bản giao Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục thuế địa phương chủ động phối hợp cơ quan có chức năng để đấu tranh xử lý có hiệu quả hành vi trốn thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Tuy nhiên thực tiễn thực hiện cũng nảy sinh nhiều vấn đề đáng quan tâm. Trên thực tế hiện nay đã có hàng nghìn bộ hồ sơ mua bán nhà đất bị trả lại với lý do kê khai thuế chưa đúng, “không phù hợp với thực tế giao dịch”.
Hiện Bộ Tài Chính đã có công văn gửi Bộ Công an, Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính đề nghị điều tra, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế trong chuyển nhượng BĐS để răn đe, ngăn chặn thất thu thuế hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, làm căn cứ tính thuế theo quy định pháp luật, tránh thất thu ngân sách.
Tuy nhiên việc siết chặt kê khai giá bất động sản liệu có làm xuất hiện các hành vi lạm quyền, tiêu cực, nhũng nhiễu để được hoàn thành thủ tục sớm hoặc được chấp nhận giá kê khai, thậm chí có sự thỏa thuận mức giá kê khai lại giữa người dân và công chức thuế để giảm thiểu số tiền đóng thuế?
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng: Tại kì họp thứ 3 của Quốc hội vừa qua nhiều đại biểu đã có ý kiến về vấn đề này. Thời gian qua việc làm thủ tục cũng gây nhiều khó khăn cho người dân và chúng ta cũng không loại trừ việc có một số hiện tượng những cán bộ phụ trách thu thuế nhà đất lạm dụng chức vụ trong việc xác nhận đó là giá thực tế hay là không thực tế. Đây là một vấn đề chúng ta phải giải quyết từ gốc, không nên có những cách xử lý thiếu căn cứ như thời gian vừa qua.
Theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh thì: "Hiện tượng khai giá chuyển nhượng thông thường sẽ không đúng với giá thực tế giao dịch đã diễn ra từ nhiều năm nay. Chúng ta hay gọi là hiện tượng né thuế.Bản chất của các khoản thu ngân sách từ chuyển nhượng bất động sản chúng ta đang thực hiện theo nguyên tắc tự khai và tự nộp. Tuy nhiên thị trường giao dịch bất động sản ở Việt Nam có những biến động rất lớn, do đó nguyên tắc các khoản thu ngân sách nhà nước từ chuyển nhượng bất động sản chúng ta nên căn cứ vào khung bảng giá nhà nước quy định. Do đó việc nói rằng căn cứ vào giá thực tế để áp thuế thì nó tạo ra một số bất cập về việc cơ quan chức năng có thể thỏa thuận với người thực hiện mua bán ( người nộp thuế) để đi đến một cái giá mà họ cho là thực tế. Bản thân cơ quan chức năng cũng thiếu căn cứ để khẳng định giá đó là thực tế hay không thực tế."
Luật Đất đai 2013 quy định: “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực”. Trong khi đó Luật Công chứng 2014 quy định: “Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu”. Điều này được hiểu là chỉ có Tòa án mới có quyền tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ vô hiệu. Do đó việc cán bộ thuế trả lại Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ đã qua công chứng vì nghi ngờ kê khai không đúng với giá trị thực chuyển nhượng là trái với điều chỉnh của pháp luật về công chứng. Điều này gây mâu thuẫn trong việc thực hiện và khiến nhiều người cảm thấy bất hợp lý.
Ngành thuế siết lại việc tính thuế chuyển nhượng bất động sản (BĐS), số thu thuế tăng cao đảm bảo được tình trạng trốn thuế là rất cần thiết. Song để tránh gây khó khăn cho cơ quan thuế và cả người dân thì cần xác định lại giá chuyển nhượng BĐS theo giá thị trường.
Để chống thất thu thuế trong giao dịch mua bán nhà đất cần có nhiều giải pháp đồng bộ của cơ quan chức năng, bên cạnh đó cũng nên vận động tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp chủ động kê khai, trong trường hợp họ muốn né tránh kê khai theo giá thực tế để giảm bớt thuế. Đồng thời tăng cường biện pháp chế tài đối với các tổ chức hành nghề công chứng. Ngoài việc phải bồi thường thiệt hại, nếu công chứng sai gây ra hậu quả, phải coi việc công chứng viên ký xác nhận và đồng ý ký vào hợp đồng công chứng với giá thấp theo đề nghị người mua là hành vi tiếp tay cho người nộp thuế mua bán bất động sản vi phạm luật thuế.