Ngày 28/7, 85 lô đất thuộc huyện Đan Phượng được đem ra đấu giá. Với hơn 1.250 bộ hồ sơ tham gia, tỷ lệ chọi là 14,7 hồ sơ/lô. Kết quả trúng đấu giá gây sốc nhất lên đến 99,2 triệu đồng/m2, gấp hơn 2 lần giá khởi điểm. Ít hôm sau, ngày 10/8, huyện Thanh Oai tổ chức đấu giá 68 lô đất tại thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, giá khởi điểm từ 8,6 - 12,5 triệu đồng/m2. Kết quả đấu giá trúng cao nhất lên đến 100,5 triệu đồng/m2. Sẽ không có gì đáng bàn nếu như hạ tầng đầy đủ, thế nhưng tại nơi vừa có sự tăng giá đột biến về đất lại không có nhiều biến động về hạ tầng hay quy hoạch.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cao ốc Quốc tế Hồ tây nhìn nhận: Đây là điều bất thường và cá biệt đối với thị trường bất động sản, bởi đối với những sản phẩm có hạ tầng tốt, quy hoạch rõ ràng nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn thận trọng. Nhiều nhà đầu tư đã “đẩy sóng” để hưởng lợi khi giá trúng cao ngất nhưng khi vừa trúng đã lại “sang tay”. Đơn cử, tại phiên đấu giá 19 thửa đất tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức thành phố Hà Nội bắt đầu vào sáng 19/8, sau cuộc đấu giá "nảy lửa" kéo dài tới 18 giờ, các lô đất đã được bán thành công, lô có giá cao nhất là 133,3 triệu đồng mỗi m2, cao gấp hơn 18 lần giá khởi điểm. Khi kết quả phiên đấu giá chưa "chốt", ngoài hội trường một nhóm môi giới đã mời chào để sang tay lô đất trúng với giá chênh quanh 200 triệu đồng hoặc hơn, tùy thuộc vị trí và độ quan tâm của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, khác với nhìn nhận của một số người về việc tăng giá “đột biến” của bất động sản ở những khu đấu giá, TS Vũ Đình Ánh, một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực giá ở Việt Nam lại cho rằng: Đây là điều hết sức bình thường và đáng mừng. Bởi trong năm 2023, nhiều phiên đấu giá ở ngoại thành Hà Nội được tổ chức nhưng không thu hút được người tham gia, nay thị trường đã “ấm” trở lại. Chỉ ra 3 nguyên nhân tăng giá ở ngoại vi thành phố Hà Nội trong thời gian này, TS. Ánh cho biết: Thời gian qua, nguồn cung của bất động sản đầy đủ pháp lý thông qua hoạt động đấu giá không nhiều nên khi đấu giá sẽ gây ra tình trạng mất cân đối cung - cầu. Phân khúc bất động sản không chỉ đất nền mà đất dự án, chung cư thời gian qua tăng đột biến. Cùng với đó, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành kể từ 1/8/2024 cũng tác động đến mặt bằng, đặc biệt liên quan đến bảng giá đất.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, các nhà đầu tư cũng nên thận trọng bởi những bài học từ quá khứ, nhiều phiên đấu giá cũng trả giá cao kỷ lục, tới thời hạn thanh toán tiền, người trúng lại nhanh chóng bỏ cọc. Bởi tại những phiên đấu giá gần đây nhất cho thấy, hầu hết những người tham gia chủ yếu là nhóm đầu tư chuyên nghiệp, người địa phương chiếm thiểu số. Hệ lụy tác động đến mọi phân khúc bất động sản, gia tăng hiện tượng đầu cơ đất đai, gây lũng đoạn thị trường, rủi ro thuộc về người mua cuối. Tiến sỹ Vũ Đình Ánh cho rằng: Với người dân cần xác định rõ mục tiêu của chúng ta khi tiếp cận bất động sản để làm gì, nếu ở thực thì bất động sản đó phải có đầy đủ các tiêu chí phục vụ nhu cầu ở, không phải yếu tố về giá. Với nhà đầu tư, đây là mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận trong trung và dài hạn, còn nhà đầu cơ thì mục tiêu là ngắn hạn. “Mọi người cần phải xác định rõ mục tiêu của mình nhưng hãy tìm hiểu kỹ mọi khía cạnh khi giá đang ở mức “đỉnh” - ông Ánh nhấn mạnh.
Mời các bạn nghe trao đổi của phóng viên VOV2 với Tiến sỹ Vũ Đình Ánh tại đây: