Mời Quý vị nghe trao đổi giữa phóng viên VOV2 với Luật sư Đinh Thị Chúc, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội:
Các vụ bắt cóc trẻ em với những hình thức tinh vi, thủ đoạn nguy hiểm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của trẻ khiến nhiều người cảm thấy lo lắng. Điển hình như vụ việc xảy ra vào cuối tháng 3 vừa qua, theo đó, một người đàn ông khoảng 40 tuổi cầm hai con dao xông vào nhà một người dân ở phường Phượng Mao, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, khống chế một bé gái 9 tuổi, đưa lên mái nhà rồi đưa ra yêu sách đòi xe máy và tiền nhằm mục đích bỏ trốn. Ngay lập tức, công an tỉnh Bắc Ninh huy động cảnh sát cơ động, hình sự, quản lý hành chính, đến hiện trường giải cứu nạn nhân. Sau hơn 4 giờ đàm thoại, giằng co, lực lượng công an đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ ập vào khống chế đối tượng, giải cứu cháu bé, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Luật sư Đinh Thị Chúc, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, gây xôn xao dư luận và sự lo lắng, quan tâm đặc biệt của các bậc cha mẹ. Theo thông tin về vụ việc được đăng tải trên báo chí hay mạng xã hội thì đối tượng đã thực hiện rất nhiều hành vi nguy hiểm và mỗi hành vi đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự với các tội danh khác nhau như: chống người thi hành công vụ, bắt giữ người trái pháp luật, đe dọa giết người, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản,… Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của đối tượng, đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với hành vi khống chế, bắt cóc cháu bé 9 tuổi. làm con tin rồi yêu cầu cung cấp tiền và phương tiện để đối tượng bỏ trốn, đây là hành vi có dấu hiệu của tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015 với tình tiết định khung phạm tội đối với người dưới 16 tuổi. Do đó, người thực hiện hành vi vi phạm trên có thể bị xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều này, mức phạt có thể áp dụng là 5 - 12 năm tù.
Cụ thể điều 169 quy định 4 khung hình phạt đối với Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản như sau:
- Người phạm tội quy định tại Khoản 1 thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
- Người phạm tội quy định tại Khoản 2 thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm, áp dụng đối với các trường hợp phạm tội sau:
+ Có tổ chức.
+ Có tính chất chuyên nghiệp.
+ Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác.
+ Đối với người dưới 16 tuổi. Đây là phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: bắt cóc người dưới 16 tuổi nhằm chiếm đoạt tài sản của người từ đủ 16 tuổi trở lên; bắt cóc người từ đủ 16 tuổi trở lên nhằm chiếm đoạt tài sản của người dưới 16 tuổi. Người dưới 16 tuổi có thể là công dân Việt Nam hay người nước ngoài. Người phạm tội bị áp dụng tình tiết này không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của bị cáo có nhận biết được người bị phạm tội là người dưới 16 tuổi hay không.
+ Đối với 02 người trở lên. Đây là trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: bắt cóc từ 02 người trở lên nhằm chiếm đoạt tài sản của một người; bắt cóc một người nhằm chiếm đoạt tài sản của từ 02 người trở lên. Trường hợp bắt cóc nhiều người (trong đó có một người hoặc tất cả là người dưới 16 tuổi) hoặc bắt có một người nhằm chiếm đoạt tài sản của nhiều người (trong đó có một người hoặc tất cả là người dưới 16 tuổi), thì áp dụng cả hai tình tiết tăng nặng định khung hình phạt quy định tại các Điểm d (phạm tội đối với người dưới 16 tuổi) và Điểm đ (phạm tội đối với 02 người trở lên) Khoản 2 Điều 169 để truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng. Đây là trường hợp số tiền mà người phạm tội có mục đích chiếm đoạt khi thực hiện hành vi bắt cóc. Chỉ cần người phạm tội có mục đích chiếm đoạt số tài sản trị giá như trên thì sẽ áp dụng điểm này không cần phải xem xét đến thực tế chiếm đoạt được hay chưa.
+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%.
Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân là trường hợp khi thực hiện hành vi phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin với tỷ lệ thương tật này. Trong trường hợp này người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội xâm phạm sức khoẻ người khác. Nếu đồng thời, với việc thực hiện hành vi bắt nhằm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội lại thực hiện hành vi giết người, thì bị truy cứu về tội xâm phạm tính mạng của người khác.
Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45% là trường hợp khi thực hiện hành vi phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội gây ra cho nạn nhân (người bị bắt làm con tin) sự rối loạn về tâm thần và hành vi với tỷ lệ này.
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội (xem bình luận khoản 2 Điều 168).
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Người phạm tội quy định tại khoản 3 thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm, áp dụng đối với các trường hợp phạm tội sau:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
- Người phạm tội quy định tại Khoản 4 thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, áp dụng đối với các trường hợp phạm tội sau:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
+ Làm chết người. Phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản làm chết người là trường hợp khi thực hiện hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội đã vô ý gây ra cái chết của người bị bắt làm con tin.
+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
Ngoài phạt tù thì người phạm tội còn có thể người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoạc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Có thể nhận diện những điểm đặc trưng cơ bản nhất của Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 169 Bộ luật Hình sự qua 04 dấu hiệu pháp lý như sau:
1. Chủ thể
Người phạm tội là cá nhân đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực trách nhiệm hình sự bao gồm năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi theo quy định pháp luật.
2. Khách thể
Khách thể của tội phạm này là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do của con người; quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức. Đối tượng tác động của tội phạm là tài sản và con người.
3. Mặt khách quan
Mặt khách quan của tội phạm này thể hiện ở việc bắt và giữ người trái pháp luật.
Hành vi bắt người trái pháp luật được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc bằng những thủ đoạn khác như cho uống thuốc ngủ, thuốc mê, lừa dối... để bắt được người làm con tin.
Sau khi bắt được con tin thì người thực hiện hành vi phạm tội thông báo cho người thân của người bị bắt cóc biết, cùng với yêu cầu người thân của họ phải nộp một số tiền thì mới thả người bị bắt cóc, nếu không nộp tiền hoặc tài sản thì người bị bắt cóc sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm.
4. Mặt chủ quan
Tội phạm này được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích của người phạm tội khi thực hiện hành vi bắt cóc người khác là nhằm buộc chủ tài sản phải giao nộp tài sản và chiếm đoạt tài sản đó. Đây là dấu hiệu bắt buộc của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản./.