Số liệu khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 3 tháng đầu năm 2023 có 89% trẻ em truy cập và sử dụng internet, 87% trong số đó sử dụng internet hàng ngày. Ngoài thời gian dành cho việc học, trung bình trẻ em sử dụng từ 5 - 7 tiếng/ngày vào mạng xã hội. Trong khi đó, theo khuyến cáo của các tổ chức y tế thì trẻ em chỉ nên truy cập mạng từ 2-3 tiếng/ngày.

Ông Nguyễn Trọng An, chuyên gia về trẻ em cho rằng, việc tiếp xúc với môi trường mạng quá nhiều sẽ dẫn tới những nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Các thông tin độc hại, lừa đảo trở thành nguy cơ tiềm ẩn, cạm bẫy khó nhận biết luôn rình rập các em trong khi đa số trẻ chưa có đủ kỹ năng để tự bảo vệ mình khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các gia đình, nhà trường và cơ quan quản lý Nhà nước trong Phòng chống thông tin độc hại, lừa đảo và bảo vệ an toàn trên môi trường mạng. “Nếu không được trang bị các kỹ năng, kiến thức sẽ dễ bị bắt nạt, bạo lực và xâm hại trên mạng” - ông An nhận định.

Báo cáo của Tổ chức ChildFund Việt Nam cũng cho biết, có tới 76% trẻ em có xu hướng tìm kiếm và chấp nhận bạn mới trên mạng xã hội. Cũng theo số liệu thống kê của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet. Hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm trên mạng.

Việt Nam đã sớm quan tâm và có các chính sách mạnh mẽ để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ ngày càng nhiều trên không gian mạng, trong đó có Quyết định số 830/TTg-CP của Chính phủ về Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025”. Để các chủ trương, chính sách của Nhà nước có thể được triển khai sâu rộng, cần có sự nỗ lực chung tay của của tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cả cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong đó phải kể tới Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/20217 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/5/2020 về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em... Tuy nhiên, cùng với cơ quan quản lý Nhà nước, sự hỗ trợ của những doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ trên môi trường số là rất cần thiết. “Tôi cho rằng, để bảo vệ trẻ trên không gian mạng thì doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, bởi các doanh nghiệp sẽ chọn lọc, loại bỏ những nội dung xấu, độc trên môi trường mạng cho các em” – bà Nga bày tỏ.

Hiện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ internet và các doanh nghiệp công nghệ cũng đã có nhiều giải pháp để bảo vệ trẻ nhưng tình trạng xâm hại các bạn nhỏ trên môi trường mạng vẫn diễn ra. Nhằm thúc đẩy vai trò của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với các tổ chức quốc tế như World Vision International tại Việt Nam, và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thành lập Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng. Theo ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), Chủ nhiệm CLB bảo vệ trẻ em trên không gian mạng: Việc triển khai các giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng thì việc chọn lọc các nội dung xấu độc về mặt công nghệ phải đơn giản, dễ dùng, chi phí hợp lý, đơn giản, dễ dùng cũng không dễ dàng gì đối với các giải pháp công nghệ hiện nay. “Thời gian tới, với việc chung tay của doanh nghiệp về các giải pháp và công nghệ, chúng ta sẽ sớm thấy nhiều giải pháp của Việt Nam, phù hợp với môi trường của Việt Nam được triển khai” - ông Ngô Tuấn Anh kỳ vọng.

Để con trẻ được an toàn trên môi trường mạng, ngoài việc xây dựng chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước, sự sát sao của gia đình, nhà trường thì các doanh nghiệp công nghệ có sự đóng góp rất quan trọng. Các doanh nghiệp cần thể hiện trách nhiệm xã hội của mình trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội.

Mời quý vị và các bạn nghe bàn luận của các chuyên gia tại đây: