Trong 7 năm thực hiện Luật BHXH/2014, có trên 476.000 người hưởng BHXH một lần đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên. Trong số đó có hơn 53.000 người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc; trên 20.000 người khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024, có trên 121.000 người rút BHXH một lần, so với quý 1 năm 2023, tăng 39%, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Chính vì vậy, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục làm "nóng" nghị trường Quốc hội khi thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội - BHXH (sửa đổi), ngày 27/5.
Dự thảo luật BHXH hiện đưa ra 2 phương án về rút BHXH một lần. Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm. Nhóm 1, người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm và có đề nghị thì được hưởng BHXH một lần. Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng BHXH một lần.
Phương án 2 là người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Tại nghị trường Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cho rằng: Mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Trao đổi với phóng viên VOV2, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng: Cả 2 phương án đều chưa phải là tối ưu, bởi phương án 1 không thay đổi gì so với luật BHXH hiện hành, nghĩa là chúng ta vẫn đồng ý cho người lao động rút BHXH như hiện nay, khó khăn ngăn chặn làn sóng rút BHXH một lần vẫn không được giải quyết. Đối với phương án 2 có thể hiểu, những người đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thì vẫn tiếp tục được rút BHXH một lần. Còn những người tham gia BHXH kể từ khi luật này có hiệu lực thi hành sẽ bị hạn chế, chỉ được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH. Nếu theo phương án 2 sẽ tạo ra 1 lát cắt giữa người tham gia BHXH trước và sau khi Luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành và chắc chắn sẽ gây phản ứng trái chiều, thậm chí khiến nhiều người dân cảm giác như bị đẩy vào thế khó; đôi khi dẫn đến mất niềm tin vào hệ thống bảo hiểm.
Bà Nga cũng nhìn nhận: Dự thảo luật mới chỉ đưa ra quy định được rút không quá 50% số thời gian đóng BHXH, nhưng số % thời gian đóng đó khác nhau cơ bản về tiền. ĐBQH đề nghị cần quy định rõ thời gian 50% được rút BHXH là thời gian nào để đảm bảo sự chặt chẽ, tránh gây sự xáo trộn, không thống nhất. "Số tiền tham gia BHXH qua các thời gian là khác nhau, khi mới tham gia BHXH với mức lương thấp thì tiền đóng BHXH sẽ thấp, 10 năm sau tiền đóng BHXH của người lao động tăng lên thì chúng ta lấy mốc 50% là thời gian nào, đầu hay cuối hay giữa, chúng ta phải làm rõ điều này", bà Nga phân tích.
Hiện nay, người lao động có thời gian tham gia BHXH đủ 20 năm, khi hết tuổi lao động (nam 62, nữ 60 tuổi) thì được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, một số ý kiến tại nghị trường cũng như của một số chuyên gia lao động cho rằng, nên giảm thời gian tham gia BHXH xuống còn 15 năm, thay vì 20 năm để giữ chân người lao động ở lại hệ thống ASXH. Phó đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhìn nhận: Chúng ta sẽ thực hiện được nếu như thực hiện đồng thời các giải pháp về quy định chặt chẽ việc rút BHXH một lần để tránh trục lợi chính sách, bởi khi người lao động tham gia thị trường lao động sớm, có thể rút BHXH một lần rồi mới quay trở lại thị trường lao động rồi lại hưởng lương hưu. Thêm vào đó, khi thời gian đóng BHXH ngắn đồng nghĩa với việc hưởng lương hưu thấp, do đó cần phải nâng cao năng suất lao động và nâng cao thu nhập cho người lao động thì lương hưu mới đảm bảo cuộc sống khi về già.
Mời quý vị và các bạn nghe trao đổi của phóng viên VOV 2 với đại biểu Quốc Nguyễn Thị Việt Nga tại đây: