Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm trên 98%. Những năm qua, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang khẳng định vai trò động lực quan trọng để phát triển kinh tế của các địa phương, sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Dù ngành thuế có những văn bản hướng dẫn từng trường hợp cụ thể nhưng trong thực tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn gặp vướng mắc liên quan đến việc xuất hóa đơn điện tử.

Những năm vừa qua, số thu thuế mà các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện giao dịch trên sàn thương mại điện tử có tăng lên so với trước, tuy nhiên tình trạng thất thu vẫn còn khá cao. Số thu nộp ngân sách vài chục đến vài ngàn tỉ đồng/năm là chưa tương xứng với quy mô giao dịch hàng chục tỷ USD qua thương mại điện tử. TMĐT ngày càng phát triển, các giao dịch cũng chuyển dịch lên các sàn TMĐT, các nền mạng xã hội như Facebook, Zalo…

Doanh nghiệp vừa và nhỏ thường rất nhạy cảm với các thay đổi từ môi trường kinh doanh. Một số doanh nghiệp có thực hiện qua sàn giao dịch điện tử phản hồi: Việc xuất hóa đơn điện tử đối với những khách hàng mua sắm trên sàn, doanh nghiệp gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định: Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động bán hàng trên các sàn giao dịch điện tử thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Quy định này được cho là gây khó cho doanh nghiệp. Chị Nguyễn Thị Huân - Kế toán công ty Việt Minh đóng tại quân Long Biên cho rằng: "Cơ quan thuế nên quy định, khi tiền về tài khoản, doanh nghiệp mới phải xuất hóa đơn"

Cũng có suy nghĩ tương tự, anh Nguyễn Lam – Chủ một doanh nghiệp tư nhân đóng tại huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội cho rằng, việc cơ quan thuế quy định việc xuất hóa đơn đúng thời điểm giao hàng gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp. Bởi vì hiện nay, nhiều sàn thương mại điện tử chỉ tính một đơn hàng thành công sau một thời gian, thường là 7 ngày giao hàng mà khách hàng không có khiếu nại, đổi trả. Nếu quy định như vậy sẽ gây nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. "Tôi nghĩ là thời điểm xuất hóa đơn quy định cứng như vậy là không nên. Lại còn chưa kể đến việc bên giao hàng cập nhật thông tin chậm". Anh Lam chia sẻ.

Để môi trường kinh doanh trên sàn thương mại điện tử được thuận tiện, các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất mong muốn những vướng mắc về hóa đơn điện tử sẽ được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn kinh doanh.

Mời quý vị và các bạn nghe âm thanh tại đây: