Bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo động lực cho người dân phát triển kinh tế. Những năm qua, công tác giảm nghèo đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm triển khai thực hiện, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống người nghèo, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Trong Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm đề ra mục tiêu đến 2030: Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1 đến 1,5%/năm.
Theo ông Nguyễn Hữu Điệp, Chuyên viên chính Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn bình quân từ 1-1,5% là một mục tiêu quan trọng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác giảm nghèo nói riêng và an sinh xã hội nói chung.
Để đạt được mục tiêu này, các cấp, các ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện các chương trình, chính sách, trong đó cần chú trọng đến một số yếu tố như: tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có công ăn việc làm ổn định, an toàn với mức thu nhập bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản; hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững gắn với việc phát triển tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, bảo đảm được mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản của người dân, giảm dần các chính sách cho không, tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện; đa dạng hóa các nguồn lực tham gia công tác giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh công tác truyền thông để thay đổi nhận thức của người dân cũng như các cấp, các ngành trong công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt là từng bước đẩy lùi, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025, chuẩn hộ nghèo như sau:
- Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
- Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Theo đó, hộ nghèo sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ như sau:
Hỗ trợ 100% chi phí khám, chữa bệnh
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP, hộ nghèo là một trong các đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế.
Đồng thời, được hỗ trợ tiền ăn khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên (căn cứ theo Điều 2 Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg, sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg).
Chính sách về học phí cho học sinh, sinh viên
Các đối tượng học sinh, sinh viên được miễn học phí quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP, trong đó bao gồm:
- Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha/mẹ/cả cha và mẹ/ông bà (nếu ở với ông bà) thuộc diện hộ nghèo;
- Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số và có cha/mẹ/cả cha và mẹ/ông bà (nếu ở với ông bà) thuộc diện hộ nghèo;
Các đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập: Trẻ mẫu giáo, học sinh phổ thông tại cơ sở giáo dục thường xuyên, có cha mẹ là hộ nghèo.
Hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng
Ngày 1/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp xã hội tăng từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng, áp dụng từ ngày 1/7/2024.
- Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng sẽ được nhận hệ số 1,5, tương ứng 750.000 đồng/tháng.
- Người cao tuổi từ đủ 75 đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện nêu trên, đang sống tại các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn, sẽ nhận hệ số 2,0, tương ứng 1.000.000 đồng/tháng.
- Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện nêu trên và không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, sẽ nhận hệ số 1,0, tương ứng 500.000 đồng/tháng.
- Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng sẽ nhận hệ số 3,0, tương ứng 1.500.000 đồng/tháng.
- Người đơn thân hoặc góa vợ hoặc chồng thuộc hộ nghèo mà đang nuôi con ăn học được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/con.
- Trẻ em dưới 03 tuổi thuộc diện hộ nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 750.000 đồng/tháng.
Hỗ trợ vay vốn để sản xuất, kinh doanh
Tại Công văn số 866 năm 2019 của Ngân hàng chính sách xã hội, mức cho vay đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh dành cho hộ nghèo tối đa là 100 triệu đồng/hộ mà không phải đảm bảo tiền vay với thời hạn vay lên đến 120 tháng.
Mức lãi suất do ngân hàng Chính sách xã hội công bố hiện nay là 6,6%/năm đối với hộ nghèo.
Ngoài ra, căn cứ Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, hộ nghèo còn có thể được hỗ trợ vay vốn về nhà ở để xây mới hoặc sửa chữa nhà ở với số tiền tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 3%/năm trong 15 năm.
Hỗ trợ tiền điện sinh hoạt hàng tháng
Theo quy định hiện hành thì hộ nghèo thuộc đối tượng hỗ trợ tiền điện sinh hoạt hàng tháng.
Mức hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành. Theo Quyết định số 2699/QĐ-BCT ngày 11/10/2024 của Bộ Công Thương, giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành là 1.893 đồng/kWh. Như vậy hộ nghèo sẽ được hỗ trợ tiền điện sinh hoạt hàng tháng bằng 30 x 1.893 đồng/kwh = 56.790 đồng/hộ/tháng.
Phương thức hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội: Chi trả trực tiếp theo hình thức hỗ trợ bằng tiền từng quý đến hộ nghèo.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Điệp, Chuyên viên chính Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội còn cho biết, cùng với việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững, việc hỗ trợ các hộ thoát nghèo không tái nghèo cũng vô cùng cần thiết. Do vậy, trong các chương trình, chính sách giảm nghèo cũng như nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội khác đã quan tâm để hỗ trợ cho các đối tượng này nhằm hạn chế tối đa việc tái nghèo.
Thực tế hiện nay, ở một số địa phương vẫn còn hiện tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo không muốn thoát nghèo. Để hạn chế điều này, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cũng đã triển khai một số hoạt động như: Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình tham mưu với cấp có thẩm quyền nghiên cứu, hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo phù hợp với từng giai đoạn nhằm xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo đầy đủ, chính xác, không bỏ sót đối tượng cũng như không để các hộ không đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn lọt vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo; tiếp tục hoàn thiện các chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, hỗ trợ cho đối tượng mới thoát nghèo để họ thoát nghèo bền vững; tăng cương công tác kiểm tra giám sát thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo trong đó có công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông ở trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chương trình, chính sách giảm nghèo, các mô hình, gương điển hình trong công tác giảm nghèo.
Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với ông Nguyễn Hữu Điệp, Chuyên viên chính Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: