Trong phiên làm việc chiều nay (1/6) của Quốc hội, đa số đại biểu tán thành việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội khóa XV.
Nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phục hồi và phát triển kinh tế, năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%.
Theo đánh giá của Chính phủ, người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế Giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế Giá trị gia tăng 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.
Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế Giá trị gia tăng sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Từ những tác động tích cực như vậy, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43 trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Đại biểu Trần Quốc Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho rằng, đây là một giải pháp cần thiết trong thời điểm hiện nay khi mà nền kinh tế và các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.
“Đây chính là cú huých để doanh nghiệp có thêm nguồn lực mà tái tạo đầu tư”, Đại biểu Trần Quốc Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí và lệ phí nói chung và giảm thuế giá trị gia tăng nói riêng được khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, đánh giá cao.
Theo đó, kết quả thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% năm 2022 đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khoảng 44.500 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hoá, dịch vụ, từ đó thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Hiện tại, một số nhóm hàng hóa, dịch vụ không được áp dụng chính sách giảm thuế bao gồm: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Vậy nhưng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng cần rà soát lại danh mục hàng hóa để có thể bổ sung, thay đổi kịp thời.
“Không nhất thiết danh sách trước như nào thì vẫn từng ấy danh mục được kéo dài thời gian. Có thể xem xét thêm cả những mặt hàng không trong danh mục để đưa vào. Cũng như đánh giá và thay đổi những mặt hàng trong danh mục nhưng lại không có nhiều tác động”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga lý giải.
Lấy ví dụ về mặt hàng ô tô bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chỉ ra rằng, ô tô là mặt hàng chịu thuế cao, cùng với nhiều loại thuế, vì vậy nếu kích cầu từ việc giảm này tổng mức thuế thu được từ chiếc xe sẽ vượt mức 2% giảm thuế VAT.
Việc áp dụng thuế VAT 8% đối với mặt hàng ô tô mặc dù gây hụt thu ngân sách 2% so với hiện hành nhưng như vậy sẽ thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô trong nước, giúp doanh nghiệp ô tô tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, từ đó, góp phần tạo đà tăng trưởng cho ngành công nghiệp ô tô qua đó tiếp tục đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như phát triển nền kinh tế.
Không chỉ ủng hộ việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế, nhiều đại biểu còn cho rằng việc chỉ tiếp tục áp dụng giảm thuế trong 6 tháng cuối năm nay là quá ngắn, khó đạt được hiệu quả như mong đợi.
Trong đó, đại biểu Trần Chí Cường, Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng đề nghị cân nhắc cần kéo dài thêm thời gian thực hiện chính sách này cho đến hết năm 2024.
Bởi lẽ, chính sách ban hành cũng cần có một khoảng thời gian đủ để đảm bảo có thể hấp thụ, đưa chính sách đi vào cuộc sống, để các địa phương có thể chủ động tính toán, cân đối việc giảm nguồn thu, giảm chi hoặc ngược lại, đảm bảo cho việc lập dự toán, cân đối thu, chi năm sau, bảo đảm sự ổn định, chủ động trong việc thực hiện đủ thời gian, chính sách phát huy hiệu quả tốt nhất.
Cùng với đó, cần có các chính sách khác để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm tạo ra những chính sách đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả và toàn diện hơn, không chỉ hoạt động dịch vụ tiêu dùng mà ngay cả hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là tháo gỡ những khó khăn từ chi phí đầu vào trong sản xuất cho đến việc tìm kiếm, mở rộng thị trường cho đầu ra, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ huy động các kênh thông tin, làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng biết và đón nhận, bởi việc giảm thuế giá trị gia tăng có thể thấy rõ nhất ở siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.