Nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận (24/5) về Luật đấu thầu (sửa đổi) đã chỉ ra rằng, đại dịch Covid – 19 vừa qua cho thấy năng lực đáp ứng và tiếp cận các vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, vaccine, trang thiết bị của ta còn nhiều hạn chế, trở ngại do năng lực sản xuất trong nước còn yếu. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi, chủ yếu là các loại thuốc, vật tư y tế thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của các địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, giá cả có nhiều biến động, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn.

Đồng thời, các quy định về quản lý, đấu thầu trang thiết bị y tế cũng bộc lộ nhiều bất cập. Để tháo gỡ những những khó khăn, đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật nội dung về những tình huống khẩn cấp.

“Khi có tình huống khẩn cấp, tổ chức được giao mua sắm có thể ứng trước hàng hóa để phục vụ đúng mục đích, yêu cầu cấp bách theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, sau đó thực hiện quy trình chỉ định thầu rút gọn theo quy định”, đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tại Điều 23 quy định về chỉ định thầu. Điểm c, Khoản 1 có nêu các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế để cấp cứu người bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trong trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, được hiểu là khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế được chị định thầu để mua, cấp cứu người bệnh.

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nêu ý kiến trong Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) hiện không có quy định nào về vấn đề này. Do vậy, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị thay thế cụm từ “cấp cứu người bệnh” thành “trong tình trạng khẩn cấp, cấp bách”. Đồng thời, cũng cần quy định rõ hơn về trường hợp cấp bách trong y tế, cơ quan nào xác định trường cấp bách. Bởi trong nhiều trường hợp 1 ống canxi cũng là thuốc để cấp cứu cho bệnh nhân bị hạ canxi huyết.

Ngoài ra, tại điểm I khoản 1 điều 23 quy định gói thầu chỉ có duy nhất một nhà thầu thực hiện được trên thị trường do yêu cầu về giải pháp công nghệ. Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về cách thức cụ thể về nội dung này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan, đơn vị khi áp dụng.

Đại biểu Lê Thị Song An lý giải, trong thực tiễn ở một số lĩnh vực như lĩnh vực y tế chỉ có 1 nhà thầu thực hiện nhưng để các cơ sở y tế chứng minh mặt hàng đó là duy nhất để thực hiện chỉ định là khó thực hiện trong thực tế.

Đồng thời, tại khoản 2 dự thảo Luật quy định, đối với gói thầu quy định ở các điểm a, b, c khoản 1, chủ đầu tư chịu trách nhiệm việc chỉ định thầu cho nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện ngay gói thầu trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bắt đầu gói thầu, các bên phải hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu tại khoản 2 điều 43 của Luật này.

Theo đại biểu Lê Thị Song An cần khéo dài thời hạn hơn cụ thể là 30 ngày, vì thực tế khi hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu, các gói thầu khẩn cấp phục vụ phòng chống dịch Covid – 19 vừa qua trong 15 ngày thì với các chủ đầu tư rất khó để đảm bảo thời hạn thực hiện.