Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành từ năm 2005, sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009 và 2019 đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt – quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy Luật Sở hữu trí tuệ còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, với mục tiêu tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Các chuyên gia cho rằng Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 là lần sửa đổi sâu rộng nhất. So với luật hiện hành, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đã hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ. Cụ thể, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi có phạm vi khá rộng, với 102 điều được sửa đổi, bổ sung; đồng thời cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Giám đốc Công ty luật TNHH Tầm nhìn và Liên danh – người có hơn 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nhận xét: "Lĩnh vực quyền tác giả là lĩnh vực có nhiều sửa đổi nhất trong lần sửa đổi này. 1 số điểm đáng lưu ý liên quan đến quyền tác giả được sửa đổi như chúng ta đã bổ sung thêm định nghĩa đồng tác giả, bổ sung và làm rõ thêm các trường hợp ngoại lệ và hạn chế quyền tác giả - đây là quy định rất quan trọng để xác định đâu là hành vi xâm phạm, đâu không phải… Chúng ta cũng đã có những quy định rõ hơn về thế nào là hành vi xâm phạm quyền tác giả, trách nhiệm pháp lý của các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian - đây là quy định nền tảng để chúng ta xây dựng cơ chế thực thi quyền tốt hơn, nhất là với những hành vi vi phạm trên không gian mạng."

Từ những thay đổi này, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà kỳ vọng: "Tôi cho rằng từ khi ra đời năm 2005, Luật Sở hữu trí tuệ đã tạo động lực rất lớn cho những hoạt động khoa học kỹ thuật, sáng tạo ở Việt Nam từ bấy đến nay. Và lần sửa đổi này, với những nội dung tiến bộ, tôi tin chắc sẽ là đòn bẩy, động lực để giúp chúng ta thúc đẩy sự sáng tạo và bảo vệ tốt hơn sự sáng tạo đó."

Cũng giống như luật sư Nguyễn Thị Thu Hà, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung tại luật mới không chỉ thể chế hóa đầy đủ chủ trương mới của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, mà còn tạo ra cú hích cho hoạt động đổi mới sáng tạo.

Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho rằng việc xây dựng hệ thống luật và văn bản dưới luật về sở hữu trí tuệ để thúc đẩy sự sáng tạo của mỗi cá nhân là rất cần thiết nhưng ông vẫn có băn khoăn: "Luật chỉ có giá trị thúc đẩy điều khoản bảo vệ nhưng quyền phải thực thi được mới thúc đẩy hoạt động sáng tạo. Nếu quyền không được thực thi thì không bảo hộ được. Đó là vấn đề lớn nhất của luật hiện tại."