Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hơn 10 năm triển khai đã tạo ra nhiều mô hình như: Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp, Café doanh nhân, “bác sĩ” doanh nghiệp..v.v... Những mô hình này đã thực sự trở thành nơi tiếp nhận thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Gỡ rối cho doanh nghiệp
Năm 2019, Công ty Hoàng Khánh Trâm - một doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum dù trúng đấu giá nhưng không thể vận hành mỏ vì không được phép đấu nối đường vào quốc lộ 24 để vận chuyển.
Ông Huỳnh Thanh Tú, đại diện doanh nghiệp cho biết, đây là dự án khai thác khoáng sản, là tài sản của Nhà nước. UBND tỉnh đã quy hoạch khoáng sản và đưa ra đấu giá.
"Doanh nghiệp trúng đấu giá năm 2019. Phê duyệt chủ trương đầu tư đầy đủ hết rồi bây giờ đến xin giấy phép khai thác khoáng sản thì Sở Giao thông Vận tải nói là đoạn đường này không được phép đấu nối thành thử không được cấp phép. Như vậy tài sản đây là tài sản Nhà nước, bán cho người ta rồi nhưng mà anh không cho người ta chở đi”, ông Tú nhớ lại.
Thông qua chương trình Cà phê Doanh nghiệp- Doanh nhân của tỉnh Kon Tum, lãnh đạo địa phương đã lắng nghe và thấy được khó khăn của không chỉ trường hợp công ty Hoàng Khánh Trâm mà còn nhận ra những bất cập trong quy trình đấu thầu mỏ vật liệu xây dựng ở tỉnh để có hướng chỉ đạo xử lý tận gốc. Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum khẳng định không thể để nhà đầu tư thiệt hại.
"Giao cho Sở Giao thông hướng dẫn nhà đầu tư làm thủ tục sao cho gọn nhất rồi báo cáo lại Ủy ban. Từ nay trở đi tất cả các mỏ khai thác vật liệu xây dựng thông thường phải đảm bảo tất cả các điều kiện rồi mới được đưa ra đấu giá. Trúng đấu giá thì thực hiện thôi không còn vướng gì nữa hết", ông Lê Ngọc Tuấn chỉ đạo.
Theo ông Trương Lê Mãnh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Kon Tum, những buổi gặp gỡ giữa doanh nghiệp với lãnh đạo địa phương diễn ra đều đặn hàng tháng qua Chương trình Cà Phê Doanh nghiệp- Doanh nhân hoặc qua chương trình đối thoại với doanh nghiệp được tỉnh tổ chức 6 tháng một lần.
Đây một kênh thông tin hiệu quả để chính quyền kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên tinh thần cầu thị, không nể nang, không né tránh, quyết liệt với những khó khăn doanh nghiệp gặp phải. Đồng thời, tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong thẩm quyền của UBND tỉnh.
Thông qua các cuộc đối thoại và Chương trình Cà phê Doanh nghiệp- Doanh nhân, những vướng mắc đơn giản của doanh nghiệp được lãnh đạo tỉnh Kon Tum tháo gỡ ngay tại chỗ. Những vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành lãnh đạo tỉnh xác định rõ trách nhiệm, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung gỡ khó cho doanh nghiệp.
"Tổ công tác đặc biệt" do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng
Còn tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, ngoài mô hình Cà phê doanh nhân còn có Tổ công tác đặc biệt của tỉnh. Chiều thứ năm hàng tuần, Tổ công tác đặc biệt do ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng sẽ tiếp doanh nghiệp, nhà đầu tư. Hàng ngày từ 7 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút sẽ sắp xếp thời gian tiếp doanh nghiệp tùy theo lịch làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh. Hoan nghênh mô hình “Tổ công tác đặc biệt”.
Tổ công tác đặc biệt của tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là đơn vị đầu mối tập hợp, phân loại các kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong ngày. Từ đó phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu phương án xử lý khó khăn, báo cáo chủ tịch UBND tỉnh.
"Thời gian không có nhiều, trong khi khối lượng công việc lớn và bộ máy tinh gọn. Do đó, với việc thành lập Tổ công tác đặc biệt, tỉnh quyết tâm đẩy mạnh tập trung tháo gỡ các khó khăn", ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt khẳng định.
Nghe Audio tại đây: