Anh Cao Thanh Lịch sinh năm 1993 ở phố Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội bị bệnh Hemophilia (bệnh rối loạn đông máu di truyền) dạng A thể nặng. Ban đầu anh đăng ký khám chữa bệnh tại bệnh viện Xanh pôn, nhưng bệnh tình ngày càng phức tạp, nên anh được chuyển đến bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Kể từ năm 2005 trở về trước, BHYT chưa chi trả đối với bệnh của anh, gia đình lao đao vì mỗi năm trả tiền chữa bệnh lên đến cả tỷ đồng. Khổ tâm vì là gánh nặng cho mọi người, đã có lúc anh nghĩ tới cái chết. Những năm gần đây, phần lớn chi phí chữa bệnh của anh đã có bảo hiểm y tế chi trả. "Nếu như không có BHYT thì tôi và gia đình có cố gắng đến đâu cũng không thể có đủ tiền để điều trị được”, anh Lịch xúc động chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Bích 52 tuổi – bệnh nhân bị suy thận nặng hiện sống ở Lạng Sơn mỗi tuần phải đến viện đa khoa tỉnh lọc máu 3 lần. Vì ốm đau triền miên, không làm được việc gì và cũng chẳng kiếm được tiền nên gia đình chị luôn có tên trong danh sách hộ nghèo, thuộc diện Nhà nước cấp thẻ BHYT. Nhờ có tấm thẻ mà mỗi lần đến viện, số tiền chị Bích phải chi trả không đáng là bao so với chi phí điều trị.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, mỗi năm quỹ BHYT chi trả từ 100-105 nghìn tỷ đồng cho việc KCB BHYT, trong đó rất nhiều trường hợp người bệnh được chi trả lên tới nhiều tỷ đồng/năm. Không chỉ là giá trị vật chất, chính sách BHYT còn là điểm tựa tinh thần giúp nhiều người có động lực, niềm tin để chiến thắng bệnh tật, hòa nhập lại với cuộc sống.

Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi đưa mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT để hướng tới công bằng là nội dung được bàn luận và thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ông Phạm Lương Sơn, nguyên Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng: Việc tăng mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình được Bộ Y tế nêu trong dự thảo Luật sửa đổi đang lấy ý kiến sẽ ảnh hưởng tới một số đối tượng, thế nhưng nếu không tăng mức đóng góp thì không thể đảm bảo tăng quyền lợi "Người ta đang quen đóng mức thấp, nay bắt đóng mức cao hơn mà nói không ảnh hưởng thì không đúng. Nhưng chúng ta phải chấp nhận một phần giảm đi, để rồi tăng bền vững về sau, khi người ta thực sự cần. Dần dần, chúng ta phải triệt bỏ tư duy bao cấp ngay cả trong việc đóng, tham gia bảo hiểm y tế." - ông Phạm Lương Sơn chia sẻ.

Nguyên Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cũng cho rằng, việc tăng chi phí đóng góp chỉ thực hiện với một số đối tượng chứ không nên cào bằng. Mức trần đóng BHYT chỉ nên quy định tối đa bằng 6% lương hằng tháng của người lao động, mức đóng của hợp tác xã, doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức 4,5% là hợp lý, nhưng với người tham gia đối tượng hộ gia đình cần tăng kịch trần lên 6%, còn trường hợp nào không chịu được mức đóng này sẽ thực hiện cơ chế hỗ trợ của các nhà tài trợ. Có như vậy mới giải quyết được bài toán là tăng tính hấp dẫn của chính sách BHYT./.