Ngày 31/12/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Ông Trần Thanh Đạm - Vụ trưởng vụ Kế hoạch - Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: đối với giáo dục mầm non, phổ thông học phí đối với cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên: Giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023 - 2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 do Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành áp dụng tại địa phương.

Đối với cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, trình Ủy ban nhân dân để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt.

Học phí đối với giáo dục đại học: Theo Nghị định 97/2023/NĐ-CP, mức trần học phí năm học 2021 - 2022 và năm học 2022 - 2023 đối với các ngành đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học công lập được áp dụng bằng mức trần học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập do Nhà nước quy định áp dụng cho năm học 2020 - 2021,

Mức trần học phí tăng theo lộ trình hàng năm cho đến năm học 2026 - 2027. Trong đó, trần học phí (mức cao nhất được thu) ở các đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học này ở nhóm ngành nghệ thuật tăng không đáng kể (0,02%), khối ngành Y - Dược tăng mạnh nhất (71,3%). Trần học phí các khối ngành khác tăng dao động 20-30%. Riêng nhóm khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, mức tăng là 15,8%. Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2 - 2,5 lần.

Theo ông Trần Thanh Đạm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Giáo dục và đào tạo, những quy định tại Nghị định 97 của Chính phủ được xây dựng trên cơ sở đánh giá tác động của việc điều chỉnh học phí đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và ngân sách Nhà nước; hoặc đã tính đến việc đảm bảo thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ GD&ĐT theo yêu cầu của Nghị quyết 19-NQ/TW và duy trì nguồn lực để các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng GD&ĐT, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện nguồn lực Nhà nước đầu tư hạn chế, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm hàng năm.

Tuy nhiên, Nghị định mới điều chỉnh lùi lộ trình học phí của giáo dục đại học công lập một năm so với quy định tại Nghị định 81, nên học phí năm học 2023 - 2024 tăng so với học phí năm học 2022 - 2023 nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81.

Có thể nói, những thay đổi này ít nhiều có tác động đến học sinh, sinh viên. Song, bên cạnh việc tăng học phí là việc thực hiện đồng bộ các chính sách miễn, giảm học phí cho các đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với ông Trần Thanh Đạm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo: