Nghị định 76/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 Nghị định 20/2021/NĐ-CP về mức chuẩn trợ giúp xã hội như sau:
"Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 là 500.000 đồng/tháng.
Tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng, và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác."
Như vậy, mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01/7/2024 tăng 140.000 đồng/tháng so với quy định trước đây.
Về đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng vẫn căn cứ theo Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP. Trong đó, người cao tuổi được hưởng chế độ hàng tháng khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;
- Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;
- Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;
- Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, hiện nay cả nước có khoảng 3,7 triệu đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Với việc nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng, tương đương 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, năm 2024 ngân sách Nhà nước sẽ cần thêm khoảng 4.700 tỷ đồng để hỗ trợ cho khoảng 3,356 triệu đối tượng trợ cấp xã hội hàng tháng và 361.590 người hưởng hỗ trợ chăm sóc hàng tháng.
Trước đó, đã có 14 tỉnh, thành phố nâng mức trợ giúp xã hội cao hơn mức quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP. Đồng thời, đã có 32 tỉnh, thành phố quy định thêm các đối tượng thuộc diện trợ cấp, trợ giúp chưa được quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP.
Chế độ trợ cấp hàng tháng trước đây được đánh giá là mới chỉ hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu của người dân, chưa tương đồng với chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu, giảm nghèo và trợ cấp đối với người có công với cách mạng. Nghị định 76/2024 đuọc ban hành nhằm đảm bảo đời sống cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, cũng như bảo đảm thực hiện lộ trình tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội trong mối tương quan với các chính sách xã hội khác, sự công bằng giữa các nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đặc biệt không để bỏ sót đối tượng và không ai bị bỏ lại phía sau
Nghị định 76/2024/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/03/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành, 01/07/2024.