Phần lớn ngày làm việc của Quốc hội hôm nay, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thanh tra. Đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; Biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra, việc xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng; Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra. Bên cạnh đó là giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng và giải pháp khắc phục chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Ngay khi đăng đàn, nhiều vấn đề gai góc được các đại biểu Quốc hội đặt ra. Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Vũng Tàu) cho rằng: Thời gian qua, chất lượng một số cuộc thanh tra chưa đảm bảo yêu cầu do còn chồng chéo khi kiểm toán, kiểm tra. Quá nhiều các đoàn thanh, kiểm tra. Chỉ trong 9 tháng năm 2022, tổ chức 6.301 cuộc thanh tra hành chính, 157 ngàn cuộc thanh tra chuyên ngành. Như vậy, chỉ trong 270 ngày, bình quân mỗi ngày có tới 608 cuộc thanh tra, kiểm tra. Chính vì thanh tra quá nhiều khiến các địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp bức xúc. Đại biểu Yến đặt câu hỏi, vì sao lại phải thanh tra nhiều như vậy? Phải chăng có gì phía sau?

Đại biểu Trần Văn Tiến đoàn Vĩnh Phúc cũng đề nghị Thanh tra Chính cho biết, đánh giá như thế nào về đội ngũ cán bộ công chức ngành thanh tra? Đánh giá thế nào khi có quá nhiều cuộc thanh tra làm ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của các đơn vị?

Trả lời các đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết: thời gian qua, cơ bản cán bộ công chức ngành thanh tra chấp hành quy định của đảng nhà nước, tuy nhiên vẫn còn có những công chức ngành “biến chất”. Mới đây, xảy ra “sự cố” Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng vi phạm pháp luật ở tỉnh Vĩnh Phúc. Người đứng đầu ngành thanh tra thừa nhận: Hiện vẫn còn sự nhũng nhiễu của cán bộ thanh tra. Vẫn còn hiện tượng ra kết luận chậm.

Từ thực tế nêu trên, Thanh tra Chính phủ đã có nhiều biện pháp nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ ngành thanh tra như ban hành 5 chuẩn mực đạo đức của ngành thanh tra, văn hóa công sở. "Vào tháng 7 vừa qua, trên cơ sở giám sát của Ủy ban kiểm tra Trung Ương, Thanh tra Chính phủ đã ban ngành Nghị quyết 45. Trong đó, quy định nâng cao chất lượng và tiến độ kết luận thanh tra; đặc biệt là nghiêm cấm cán bộ thanh tra không được nhận tiền, không được giao lưu với đối tượng thanh tra, không đươc bỏ lọt, bỏ sót những vi phạm phải chuyển cơ quan điều tra", Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết và nhấn mạnh, mong đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước giám sát đối với cán bộ của các đoàn thanh tra khi hoạt động thanh tra tại địa phương.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) nêu vấn đề: Thanh tra được trích một phần số tiền phát hiện vi phạm qua thanh tra. Theo số liệu thư viện Quốc hội cung cấp thì 5 năm qua, Thanh tra Chính phủ đã được thụ hưởng 388 triệu đồng. Vậy Thanh tra đã sử dụng như thế nào?

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong giải thích: Việc trích lại theo tỷ lệ nhất định từ số tiền thu hồi vì vi phạm là để đầu tư trở lại cho việc mua sắm trang thiết bị vật chất, động viên khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều câu hỏi về vấn đề thanh tra đất đai, xây dựng cơ bản, thanh tra dự án... đều được Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời cặn kẽ.

Sau phần trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã làm rõ một số điều về công tác thanh tra. Phó Thủ tướng cho biết: Chính phủ cũng đã chỉ đạo ngành thanh tra tập trung thanh tra trong một số lĩnh vực quan trọng như: đầu tư, xây dựng, đấu thầu, chứng khoán, ngân hàng… Thủ tướng Chính phủ trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo về kết luận thanh tra, nhất là với những vấn đề phức tạp, qua đó nhiều cuộc thanh tra đạt kết quả tốt, xử lý nghiêm các vi phạm.

Về xây dựng pháp luật, Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi) để khắc phục hạn chế của Luật hiện hành. Kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi). Đây là một giải pháp quan trọng sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong ngành.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, Chính phủ xác định công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực là công tác trọng tâm, đồng thời chỉ đạo bộ, ngành địa phương thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm tham nhũng, kiểm soát tài sản thu nhập, thu hồi tài sản tham nhũng, phòng chống tham nhũng trong khối ngoài nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về lĩnh vực này.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, vẫn còn một số tồn tại hạn chế trong công tác này, Chính phủ sẽ tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục khắc phục trong thời gian tới; đảm bảo phát huy vai trò của ngành Thanh tra trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Kết luận nhóm vấn đề về thanh tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh: Thanh tra là một chức năng thiết yếu, quan trọng trong kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp nói riêng và kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung.

Trong 9 tháng đầu năm, trên 3000 kết luận thanh tra đã được ngành thanh tra thực hiện, chiếm trên 60% tổng số kết luận thanh tra. Đây là kết quả đáng ghi nhận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy định chi tiết thi hành, bảo đảm có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Luật Thanh tra sửa đổi; Tiến hành sơ kết, đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 và xây dựng kế hoạch cụ thể cho giai đoạn tiếp theo và một số vấn đề khác để nâng cao công tác thanh tra trong thời gian tới./.